Liệt dây mác chung ở trẻ điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng

  • 5
Cỡ chữ:

Tóm tắt

Liệt dây mác chunglà bệnh lý thường gặp do các chấn thương vùng đầu gối. Báo cáo này mô tả một trường hợn nam 12 tuổi với triệu chứng của liệt mác chung bên phải, cơ lực cổ chân, ngón chân là 0/5, nguyên nhân được nghi ngờ là do tư thế sinh hoạt thường xuyên trong thời gian dài. Bệnh nhân đã được điều trị bằng điện châm, thuốc y học cổ truyền, thủy châm kết hợp tập phục hồi chức năng.Sau 1 tháng bệnh nhân cải thiện triệu chứng rõ, không còn đau, cơ lực cổ chân và ngón phải là 3/5.Việc kết hợp đa phương trị liệu đem lại hiệu quả cho trường hợp này.

Giới thiệu 

Dây thần kinh mác chung là một trong hai nhánh của dây thần kinh hông to, có kích thước bằng một nửa dây thần kinh chày. Dây thần kinh này chạy gần bề mặt, được bao phủ bởi da và một lớp mô mỏng bên dưới khiến nó dễ bị tổn thương trực tiếp khi bị chấn thương vùng đầu gối[1],[2]. Khi tổn thương dây thần kinh mác dẫn đến liệt nhóm cơ nghiêng ngoài bàn chân, gập bàn chân về phía mu, mất cảm giác bờ ngoài cẳng chân và mặt mu chân[1]. Báo cáo này mô tả chi tiết một trường hợp trẻ liệt mác chung không rõ căn nguyên được điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp tập phục hồi chức năng. 

Case report. 

Bệnh nhân nam 12 tuổi vào viện vì không nhấc bàn chân phải được khi đi lại vận động.Bệnh khởi phát cách ngày vào viện khoảng 2 tuần với đau nhức mặt ngoài cẳng chân phải, sau đó là tê và mất vận động gấp duỗi cổ chân phải.Tiền sử bệnh nhân thường xuyên ngồi với tư thế gập gối và tỳ chân vào cạnh bàn trong một thời gian dài. Bệnh nhân không chấn thương hay té ngã gì trước đó.  

Triệu chứng cơ năng,bệnh nhân đau tê mặt ngoài cẳng chân phải, khi đi bàn chân rũ xuống. Khám thực thểcơ lực cổ chân và ngón chân phải 0/5, mất vận động gấp duỗi cổ chân phải, nghiêng ngoài bàn chân và co duỗi các ngón, giảm cảm giác nông vùng cẳng chân và bàn chân phải, giảm phản xạ gân gót phải, phản xạ gân gối P bình thường. Kết quả điện cơ thần kinh liệt không hoàn toàn dây thần kinh mác chung; các xét nghiệm cận lâm sàng khác như CT-Scan sọ não, cộng hưởng từ cột sống thắt lưng, Xquang khớp gối và khớp cổ chân phải đều cho kết quả bình thường. 

Bệnh nhân đã được điều trị bằng điện châm, thủy châm, tập phục hồi chức năng, điện xung kết hợp dùng thuốc Y học cổ truyền. Điện châm, sử dụng các huyệt Dương lăng tuyền, Túc tam lý, Huyền chung, Dương phụ, Giải khê, Hành gian, Thái xung, Túc lâm khấp, lưu kim 25 phút/lần/ngày. Thủy châm sử dụng Methycobal 500mcg thủy châm cách ngày tại vị trí huyệt Dương lăng tuyền, Túc tam lý. Sử dụng bài thuốc Đào hồng tứ vật thang (Đương quy 6g, Xuyên khung 6g, Sinh địa 6g, Xích thược 5g, Đào nhân 4g, Hồng hoa 4g). Bên cạnh đó kết hợp với điều trị bằng điện xung và tập phục hồi chức năng.Phục hồi chức năng, mục tiêu duy trì tầm độ khớp cổ chân và tập mạnh các nhóm cơ đã có thần kinh chi phối.Các bài tập được sử dụng duy trì tầm độ khớp (kéo giãn cơ dép, kéo giãn cơ bắp chân); tập mạnh các nhóm cơ (gập mu bàn chân, nghiêng trong và nghiêng ngoài bàn chân). 

Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân không còn cảm giác đau tê vùng mặt ngoài cẳng chân P, cảm giác vùng cẳng chân và bàn chân phải bình thường, cơ lực cổ chân phải 2-3/5, thực hiện được động tác nghiêng ngoài bàn chân, duỗi ngón cái, gập mu bàn chân 10 độ; phản xạ gân gót phải giảm nhẹ. 

 

Bàn luận: 

Trường hợp liệt mác chung này gặp ở độ tuổi còn tương đối trẻ, tiền sử bản thân và gia đình không nghi nhận bệnh lý di truyền có khả năng làm tổn thương tới dây thần kinh. Kết quả MRI không ghi nhân bất thường của cột sống và tủy sống vùng thắt lưng và các khối u. Giả thuyết về căn nguyên của trường hợp này là do thói quen ngồi gập gối và tỳ vào cạnh bàn trong thời gian dài. 

Điều trị bằng điện châm, châm tả các huyệt có vị trí dọc theo đường đi của dây thần kinh mác, nhằm kích thích các đầu mút thần kinh tại đây cũng như tác động kích thích các nhóm cơ chày trước, cơ duỗi các ngón chân dài và cơ duỗi ngón cái dài, cơ mác dài, cơ mác ngắn[3]. Trong Y học cổ truyền, Dương lăng tuyền là huyệt chủ cân, Huyền chung huyệt chủ cốt tủy, Túc tam lý kiện tỳ ích khí thông kinh lạc, sử dụng những huyệt này giúp thông kinh hoạt lạc. Các huyệt Dương phụ, Giải khê, Hành gian, Thái xung, Túc lâm khấp là các huyệt có vị trí dọc theo các cơ chày trước, cơ duỗi các ngón chân dài, cơ duỗi các ngón cái dài, cũng là vùng đau nhức của bệnh nhân, sử dụng các huyệt này để hành khí hoạt huyết tại chỗ cũng như kích thích làm mạnh các nhóm cơ chi phối động tác gấp mu chân và duỗi các ngón chân[3],[4].Các vị thuốc có tác dụng hành khí hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc giúp chỉ thống.Trường hợp liệt mác chung này được sử dụng bài Đào hồng tứ vật thang có tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết, vừa hoạt huyết lại có thể bổ huyết ích khí, bổ mà không trệ, hoạt mà không tán[4].Methylcoban là một co-enzym của vitamin B12 giúp tăng cường khả năng phục hồi các tổn thương dây thần kinh ngoại vi, đồng thời ức chế các xung thần kinh bất thường do tổn thương mô thần kinh[5]. Tập phục hồi chức năng giúp bệnh nhân giữ được tầm vận động của khớp, tăng cường sức cơ. 

Trên thế giới cũng đã có một số nghiên cứu về chẩn đoán và điều trị liệt dây thần kinh mác chung bằng các phương pháp y học cổ truyền. Theo nghiên cứu của Su Min Hong và Eun Jung Lee về điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền, các phương pháp được sử dụng để điều trị bao gồm điện châm, thủy châm, phép cứu và phục hồi chức năng. Về điện châm, 2 huyệt chính được sử dung là Dương lăng tuyền và Túc tam lý. Về thủy châm, thuốc được sử dụng là vitamin B1, mecobalamine 0,5g, thủy châm cách nhật tại 2 huyệt chính như trên. Bên cạnh đó, kết hợp với phương pháp cứu và phục hồi chức năng với các bài tập duy trì tầm độ khớp và làm mạnh các nhóm cơ.Các bệnh nhân nghiên cứu đáp ứng điều trị và cho kết quả tốt.Chúng tôi đã dựa vào các nghiên cứu trước đó, ứng dụng thêm phương pháp điện xung và dùng thuốc Y học cổ truyền trong trường hợp này, kết quả điều trị cho thấy bệnh cải thiện tốt. 

Sau 1 tháng áp dụng đa trị liệu, bệnh nhân không còn đau, dị cảm, cơ lực được phục hồi một phần, có thể thực hiện được một số động tác nghiêng ngoài bàn chân, duỗi ngón cái, gập mu bàn chân 10 độ 

 

Kết luận 

Liệt dây thần kinh mác chung có thể gặp ở đối tượng trẻ có thói quen tạo áp lực tỳ đè lên vùng đầu gối, khoeo chân. Đa trị liệu Y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng đem lại hiệu quảphục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt mác chung. 

Từ khóa

liệt dây mác chung,y học cổ truyền,Đà Nẵng

Tài liệu tham khảo

  1. Chad Poage, Charles Roth Brandon Scott (2016), "Peroneal Nerve Palsy: Evaluation and Management", JAAOS - Journal of the American Academy of Orthopaedic Surgeons. 24(1), 1-10.
  2. Erhan Yilmaz (2004), "[Peroneal nerve palsy due to rare reasons: a report of three cases]", Acta orthopaedica et traumatologica turcica. 38, 75-8.
  3. Masaki Sato (2003), "Peroneal Nerve Palsy Following Acupuncture Treatment : A Case Report", JBJS. 85(5), 916-918.
  4. Su Min Hong Eun Jung Lee (2019), "A Clinical Research Analysis of the Korean Medicine for Peroneal Nerve Palsy", Journal of Korean Medicine Rehabilitation. 29(3), 61-74.
  5. Lin Gan (2014), "Restorative effect and mechanism of mecobalamin on sciatic nerve crush injury in mice", Neural regeneration research. 9, 1979-84.
Hoặc

Đăng nhập bằng gmail

Đăng nhập bằng gmail