Tóm tắt
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là bệnh thường gặp trong cộng đồng, cùng với cuộc sống hiện đại ngày một căng thẳng nhiều áp lực cho nên bệnh có xu hướng ngày một tăng. Bệnh mới mắc có triệu chứng không rõ ràng, mức độ đôi khi không trầm trọng dẫn tới bệnh nhân không đi khám hoặc đi khám không đúng chuyên khoa tâm thần dẫn tới bệnh nặng thêm, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém chi phí cho xã hội và ảnh hưởng đến khả năng lao động của bản thân bệnh nhân. Phương pháp điện châm chứng minh khả năng điều trị rối loạn lo âu và trầm cảm qua việc điều trị các triệu chứng của bệnh cũng như làm thay đổi nồng độ Serotonin và Cortisol huyết tương, hai chất cơ bản trong cơ chế bệnh sinh của bệnh rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm.
I. ĐẠI CƯƠNG RỐI LOẠN HỖN HỢP LO ÂU VÀ TRẦM CẢM
1. Định nghĩa
Từ những thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, lo âu và trầm cảm được xem như hai loại bệnh riêng biệt.Tuy nhiên trong thực hành Tâm thần học, có sự hiện diện đồng thời triệu chứng ở các mức độ khác nhau của rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm. Vì vậy, trong bảng phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 (ICD-10) năm 1992 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như hướng dẫn chẩn đoán và phân loại các rối loạn tâm thần (DSM-IV) năm 1994 của Hội Tâm thần học Mỹ đưa ra mã chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm đã đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi trong thực hành lâm sàng, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong chẩn đoán, điều trị, tiên lượng và chăm sóc người bệnh.
Định nghĩa: Theo ICD – 10 thì rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm được xếp vào nhóm các rối loạn tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể, mục các rối loạn lo âu khác, có mã chẩn đoán phân loại bệnh là F41.2. Bệnh được chẩn đoán khi các triệu chứng của cả lo âu và trầm cảm đều có, nhưng không có triệu chứng nào, xem xét một cách riêng biệt, là đủ nặng để đánh giá chẩn đoán.
2. Dịch tễ học
Theo Hội tâm thần Mỹ năm 1994 (DSM-IV) thì đây là một rối loạn khá thường gặp trong quần thể dân số chung với tỷ lệ dao động từ 0,8% đến 1,7% và từ 15% đến 20% số người bệnh được điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần.
Tại Việt Nam, trong những nghiên cứu trên đối tượng mắc các bệnh nền, thì tỉ lệ bắt gặp khá cao. Phạm Thị Thu (2016) nghiên cứu đặc điểm lâm sàng trầm cảm, lo âu ở bệnh nhân bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn tính cho thấy 25,6% bệnh nhân có cả triệu chứng lo âu và trầm cảm.
Với Trần Thị Thanh Hương (2018) trong nghiên cứu một số yếu tố liên quan tới lo âu, trầm cảm ở bệnh nhân ung thư vú tại Hà Nội, thì con số bệnh nhân có cả triệu chứng lo âu và trầm cảm là 19,7% bệnh nhân.
3. Nguyên nhân
Vai trò của stress: là nguyên nhân thúc đẩy bệnh xuất hiện, stress có thể rõ rệt nhưng thường chỉ là những sang chấn tâm lý xã hội đời thường, tuy nhẹ nhưng trường diễn.
Vai trò của nhân cách: rối loạn lo âu trần cảm thường gặp nhiều hơn ở những người có nét tính cách: hay lo lắng, chi ly, cẩn thận... hoặc những người nhân cách yếu.
4. Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm đa dạng, đan xen lẫn nhau, đôi khi khó phân biệt đâu là triệu chứng của lo âu hay trầm cảm.
Hầu hết các triệu chứng của rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm nằm trong các triệu chứng của hai rối loạn là lo âu lan tỏa và trầm cảm điểm hình.
Rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm chỉ khác rối loạn lo âu lan tỏa ở mức độ các triệu chứng trầm cảm, và mức độ các triệu chứng cơ thể của lo âu, các triệu chứng lo lắng, sợ hãi, căng thẳng và các triệu chứng rối loạn thần kinh tự trị biểu hiện mức độ nhẹ hơn, còn các triệu chứng trầm cảm - ở mức độ nhẹ - biểu hiện rõ hơn so với rối loạn lo âu lan tỏa.
So với rối loạn trầm cảm điển hình, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm giống là đều có mặt các triệu chứng trầm cảm và khác nhau về mặt mức độ, trong rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm mức độ nhẹ hơn và không bắt buộc thời gian tồn tại hầu hết cả ngày và kéo dài nhiều tháng.
Triệu chứng chẩn đoán xác định gồm:
- Khí sắc giảm hay trầm buồn.
- Mất sự hài lòng hay quan tâm thích thú.
- Có các biểu hiện lo âu, lo lắng.
- Thường có các triệu chứng kết hợp sau đây: Kém tập trung chú ý. Ăn không
ngon miệng. Căng thẳng, bồn chồn, khó thư giãn được. Run, đánh trống ngực, khô miệng, sôi bụng,… Ý nghĩ hay hành vi sát. Mất dục năng.
5. Các trắc nghiệm tâm lý hỗ trợ đánh giá chẩn đoán
Thang điểm Hamilton dành cho rối loạn lo âu ( Hamilton Anxiety Rating Scale: HARS) và thang điểm Hamilton dành cho rối loạn trầm cảm ( Hamilton Depression Rating Scale: HDRS).
Test Zung đánh giá rối loạn lo âu (Self rating anxiety scale of Zung).
Test Beck đánh giá rối loạn trầm cảm (Beck Depression Inventory).
6. Sinh bệnh học của rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Trong DSM-IV, Adrienne đưa ra bốn lý giải về sinh bệnh học minh chứng cho sự tồn tại rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm:
- Một là sự biến đổi chất tương đương nội thần kinh trong rối loạn trầm cảm và lo âu, đó là sự giảm cortisol gây kích thích hormone adreno-corticotropic, dẫn đến giảm hormone kích thích sinh clonidine (Catapres), giảm TSH (Thyroid Stimulating Hormone) và prolactin giảm kích thích thyrotropine-releasing hormone (TRH).
- Hai là tăng hoạt động của hệ noradrenergic. Nghiên cứu thấy có sự tăng chuyển hóa thải trừ norepinephrine 3-methoxy-4-hydroxyphenyglycol (MHPG) trong nước tiểu, huyết tương và dịch não tủy. Ngoài ra còn thấy có sự liên quan sinh bệnh học giữa serotonon và γ (gama)-aminobutyric acid (GABA) với rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm.
- Ba là thuốc tác động lên hệ serotonergic như fluoxetin (prozac) và clomipramine (anafranil) đều có tác dụng đối với cả hai rối loạn lo âu và trầm cảm.
- Bốn là lo âu và trầm cảm có liên quan về di truyền gia đình qua nghiên cứu gia đình quy mô lớn .
Theo Emmanuel (1998) hoạt động của các hệ thống dẫn truyền thần kinh có liên quan trong trầm cảm và lo âu. Vai trò chủ yếu là noradrenergic, GABA và serotonergic. Tình trạng lo âu đi kèm với sự tăng hoạt động quá mức của hệ thống noradrenergic và sự giảm tác dụng ức chế của hệ thống dẫn truyền thần kinh GABA – ergic.
Giả thuyết của N.Mateseck: tình trạng lo âu bệnh lý tồn tại sẽ hoạt hóa quá mức một số hệ thống monoamine, gây ra sự thiếu hụt noradrenaline (NA) và serotonin (5-HT), dẫn đến sự xuất hiện các triệu chứng rối loạn trầm cảm. Serotonin được coi là chất nền chung trong sinh bệnh học của lo âu và trầm cảm. Thân của tế bào thần kinh chứa 5-HT nằm trong nhân đường chéo (Raphe nucleus) của não giữa hoạt động phóng chiếu rộng khắp toàn bộ não thông qua một mạng lưới lan tỏa, hoạt động này nhằm duy trì một “trương lực” có chức năng điều hòa cơ bản trong hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng lên nhiều chức năng sinh lý (ví dụ nhiệt độ, tiết mồ hôi, giấc ngủ, sự ăn uống, sự nhận cảm đau,…), hành vi và các chức năng khác (như tình trạng khí sắc, lo âu, xung đột và sự gây hấn). Lý giải này phù hợp với trầm cảm thường xuất hiện sau rối loạn lo âu, sự xuất hiện rối loạn lo âu sẽ làm tăng khả năng dễ bị trầm cảm.
7. Điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Các mục tiêu điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm lần lượt là:
+ Đánh giá được nguy cơ tự sát và đề phòng tự sát;
+ Điều trị tất cả các yếu tố sinh học gây ra làm nặng lên hỗn hợp lo âu trầm cảm;
+ Làm giảm cường độ triệu chứng;
+ Điều trị hết triệu chứng;
+ Phòng tái phát;
+ Phục hồi các chức năng xã hội: lao động, giao tiếp, chăm sóc cá nhân.
Các phương pháp điều trị chủ yếu là liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược với các thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu và thuốc an thần. Hiện nay thuốc điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm đa phần dùng nhóm chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).
Thời gian điều trị:
+ Điều trị đến khi các triệu chứng cải thiện và sau đó duy trì thêm ít nhất 6 tháng để đảm bảo bệnh ổn định hoàn toàn.
+ Một số bệnh nhân đòi hỏi kéo dài thời gian điều trị hơn, và có thể là lâu dài để tránh tái phát.
II. RỐI LOẠN HỖN HỢP LO ÂU VÀ TRẦM CẢM THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
1. Bệnh danh
Theo y học cổ truyền, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm được xếp vào bệnh danh chứng uất. Chứng uất trong YHCT là một loại bệnh vì tình chí không thư thái, khí cơ uất trệ mà gây ra. Bệnh có biểu hiện tâm thần uất ức tình chí không yên, sườn trướng đau, dễ giận, dễ khóc, trong họng như có vật gì nghẹn tắc, mất ngủ.
Vương An Đạo trong Y kinh tố hồi tập có nói: Bệnh phát ra phần nhiều là vì uất, uất có nghĩa là trệ lại không thông.
Chu Đan Khê nói: Khí huyết sung túc điều hòa thì không sinh bệnh gì, mỗi khi bị phẫn uất thì mọi bệnh sinh ra, cho nên mọi bệnh trong người ta phần nhiều sinh từ uất. Như vậy thì tình chí kích thích sai mất thường độ, khí cơ uất trệ, khí uất lâu ngày không khỏi, từ khí đến huyết biến sinh nhiều, mới có thể gây ra nhiều thứ chứng trạng, cho nên có từ ngữ là lục uất (khí, huyết, đàm, thấp, thực, nhiệt), trong đó khí uất là trước tiên, rôi sau những thứ uất khác mới hình thành.
Sách Cảnh Nhạc nói: Uất của ngũ khí là vì bệnh mà uất, còn uất về tình chí, vì uất mà sinh bệnh, hai thứ đó là khác nhau. Chứng uất nói ở đây là nói về tình chí bị uất và khí uất là chính.
2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Chứng uất phát sinh là do tình chí bị tổn thương, can khí uất kết dần dần làm cho khí cơ của ngũ tạng không hóa mà gây ra, nhưng bệnh chủ yếu do ba tạng Can, Tỳ, Tâm và khí huyết mất điều hòa mà thành.
- Uất giận không thoải mái: uất giận là do Can mất điều đạt, khí mất sơ tiết, Can khí uất kết lại, khí uất lâu có thể hóa hỏa, khí trệ lại có thể làm huyết ứ, không vận hành. Nếu Can uất mà liên quan đến Tỳ hoặc lo nghĩ bế tắc khó nhọc hại Tỳ, đều có thể làm Tỳ mất kiện vận, tthấp đọng lại sinh đàm, làm cho khí trệ đàm uất. Nếu thấp trọc ngưng đọng hoặc thức ăn ngưng trệ không tiêu hoặc đàm tháp hóa nhiệt, có thể phát triển thành thấp nhiệt, thực uất, nhiệt uất.
- Tình chí không thoải mái: Can uất ức tỳ làm hao Tâm khí, vinh huyết hao dần, Tâm mất nuôi dưỡng, thần mất chỗ ẩn náu như thể là ưu uất hại thần, có thể làm tâm thần không yên như sách Linh Khi nói: Buồn thương lo sầu thì tâm động, tâm động thì ngu tạng lục phủ đều dao động. Nếu ức uất hại Tỳ, ăn uống giảm sút, sinh hóa mất nguồn thì khí huyết không đủ, tâm tỳ đều hư, uất lâu hóa hỏa, dễ hại âm huyết, liên quan đến thận âm hư hỏa vượng rồi phát triển thành nhiều chứng hư tổn.
3. Biện chứng luận trị
Chứng uất phát sinh là vì uất giận, lo nghĩ, buồn thương, ưu sầu, thất tình, thương tổn làm cho Can mất sơ tiết, Tỳ mất vận hóa, Tâm thần thất thường, âm dương tạng phủ khí huyết mất điều hòa mà thành ra. Lúc đầu bệnh vì khí trệ kiêm thấp đàm, thực tích, nhiệt uất, phần nhiều thuộc về chứng thực, bệnh lâu, từ khí chuyển sang huyết, từ thực sang hư như uất làm hại thần, Tâm Tỳ đều suy, âm hư hỏa vượng đều thuộc hư chứng.
Chứng uất lúc đầu phần nhiều vì tình chí bị tổn thương, phần khí bị uất kết, biểu hiện lâm sàng u uất không thoải mái, tinh thần không phấn chấn, ngực tức, sườn đau hay thời dải, không nghĩ đến chuyện ăn uống.
Sách Tố Vấn nói: Mộc uất thì phải làm cho thông đạt.
Sách Chứng trị hối bố nói: Bệnh uất phần nhiều do khí không chu lưu, cho nên cách chữa trước hết là thuận khí.
Sách Lâm chứng chỉ nam nói: Uất thì khí trệ khí trệ lâu thì sẽ hóa nhiệt, nhiệt uât thì tân dịch hao mà không chu lưu, cơ chế thăng giáng mất độ thường, lúc đầu hại đến phần khí, lâu thì hại đến phần huyết, rồi dần dần thì suy nhược bệnh nặng, cho nên dùng thuốc lấy vị đắng cay lương nhuận để tuyên thông, không dùng những thứ khô nóng liễm sáp bổ, đó là cách chữa.
Sách Y phương luận khi giải thích bài Việt cúc hoàn nói: Bệnh uất thì trước hết là bệnh ở khí, khí được lưu thông thì làm gì có uất được, vì thế trong chữa chứng uất, nguyên tắc chung là sơ thông khí cơ, sơ thông khí cơ được sớm là có ý nghĩa quan trọng ngăn chặn không cho bệnh tình phát sinh phát triển thành các bệnh khác, đương nhiên trên lâm sàng khi chữa cần biện chứng rõ hư thực, chứng thực thì sơ can lý khí là chính, căn cứ vào tình hình bệnh mà phối hợp với các thuốc hành huyết, hóa đàm, lợi thấp, thanh nhiệt, tiêu thực, chứng hư nên bổ ích khí huyết, phù trợ chính khí.
4. Các thể bệnh
Can khí uất kết
- Triệu chứng: tinh thần uất ức, tình chí không yên hay thở dài, ngực sườn trướng đau, đau không có chỗ nhất định, dạ dày khó chịu, ợ hơi, bụng trướng, không muốn ăn hoặc nôn mửa, đại tiện thất thường, phụ nữ bế kinh, rêu lưỡi mỏng nhờn, mạch huyền.
- Cơ chế: tình chí bị tổn thương làm Can mất điều đạt, tinh thần uất ức, tình chí không yên. Kinh Can có đường đi đến bụng dưới, đi kèm dạ dày và phân bố ở ngực sườn, vì can khí uất trệ, khí cơ không thông lợi, khí trệ huyết uất, đường lạc của Can không điều hòa gây bụng trướng, ngực tức, sườn đau, phụ nữ kinh nguyệt không thông. Can khí phạm vị làm vị mất hòa giáng, gây vùng bụng khó chịu, ợ hơi, kém ăn, nôn mửa. Can khí hại Tỳ gây bụng trướng, đại tiện thất thường. Rêu lưỡi mỏng nhờn, mạch huyền là biểu hiện Can Vị bất hòa.
- Pháp trị: sơ Can lý khí giải uất.
Khí uất hóa hỏa
- Triệu chứng: tính tình nóng nảy dễ tức giận, ngực tức, sườn trướng, cồn cào, nuốt chua, miệng khô mà đắng, đại tiện bí kết hoặc nhức đầu, mắt đỏ, tai ù, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền sác.
- Cơ chế: Khí uất hóa hỏa làm cho hỏa bốc lên trên theo Can mạch đi lên gây đầu đau, mắt đỏ, tai ù. Can hỏa phạm vị làm cho đường ruột có nóng, miệng khô đắng, đại tiện bí kết. Tính tình nóng nảy dễ giận lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền sác đều là hiện tượng can hỏa hữu dư.
- Pháp trị: Thanh Can, tả hỏa, giải uất, hòa Vị.
Khí trệ đàm uất
- Triệu chứng: Trong họng như có vật gì cản trở, khạc không ra, nuốt không xuống, trong ngực đầy tắc hoặc kiêm có đau sườn, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch huyền hoạt.
- Cơ chế: Can uất hại Tỳ, làm cho Tỳ kém kiện vận mà sinh thấp tụ đàm. Đàm khí uất kết ở trên ngực cách cho nên thấy trong họng khó chịu như có vật gì ngăn trở, khạc không ra, nuốt không xuống gọi là mai hạch khí. Khí không được vươn ra thì trong ngực đầy tắc. Sườn là đường kinh can đi qua cho nên sườn đau. Rêu lưỡi trắng nhờn, mạch huyền là triệu chứng can uất hiệp đàm thấp.
- Pháp trị: Táo thấp hóa đàm, lợi khí giải uất.
Ưu uất hại Thận
- Triệu chứng: Tinh thần không yên, tâm thần hoảng hốt, buồn lo dễ khóc, thỉnh thoảng ngáp dài, chất lưỡi nhợt, rêu mỏng trắng, mạch huyền tế.
- Cơ chế: Ưu uất không giải được, Tâm khí bị hao thương, Vinh huyết suy hao dần, không nuôi dưỡng được tâm thần làm cho tinh thần hoảng hốt, tâm thần không yên, sách Kim quỹ gọi đó là Chứng tạng táo hay phát ở phụ nữ. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch huyền tế là hiện tượng khí uất, huyết hư.
- Pháp trị: Dưỡng tâm, an thần.
Tâm Tỳ đều hư
- Triệu chứng: Nghĩ nhiều, lo nhiều, tim đập hồi hộp, nơm nớp, dễ sợ, ít ngủ hay quên, sắc mặt không tươi, đầu choáng, thần mệt, không muốn ăn uống, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược.
- Cơ chế: Do Tâm Tỳ hư, nguồn sinh hóa khí huyết bị suy tổn, không nuôi dưỡng được tâm thần, gây tim đập hồi hộp, nơm nớp dễ sợ, ít ngủ hay quên. Tâm huyết hư không vinh nhuận lên trên làm cho sắc mặt không tươi, đầu choáng.
Thần mệt, không muốn ăn uống, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược là biểu hiện của Tâm Tỳ hư.
- Pháp trị; Kiện Tỳ, dưỡng Tâm, ích khí bổ huyết.
Âm hư hỏa vượng
- Triệu chứng: Huyễn vựng, tâm quý, ít ngủ, tâm phiền, dễ giận hoặc di tinh, eo lưng đau, phụ nữ kinh nguyệt không đều, chất lưỡi đỏ, mạch huyền tế mà sác.
- Cơ chế: Âm tạng không đủ, vinh huyết hao dần, âm hư thì hư dương phù lên gây huyễn vựng, dễ giận. Âm huyết suy hao làm cho tâm thần mất nuôi dưỡng và âm hư sinh nội nhiệt, hư nhiệt nhiễu thần gây tâm quý, ít ngủ, tâm phiền. Thận tinh không đủ, eo lưng thiếu nuôi dưỡng làm cho eo lưng đau. Âm hư hỏa vượng làm nhiễu động đến tinh, cửa tinh không đóng kín gây di tinh. Can Thận mất nuôi dưỡng làm cho mạch xung nhâm không điều hòa gây kinh nguyệt không đều. Chất lưỡi đỏ, mạch huyền tế sác là hiện tượng âm hư có hỏa.
- Pháp trị: Tư âm thanh nhiệt, trấn Tâm an thần.
III. PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN CHÂM
1. Định nghĩa
Chữa bệnh bằng châm cứu là một di sản lâu đời của y học Phương Đông, phát triển từ cơ sở lý luận của Cửu châm mà người xưa đã ghi trong sách Linh khu (770-221 trước Công nguyên).
Châm tức là điều khí, hòa huyết khí. Khi châm kim qua các huyệt vị sẽ khai thông sự tuần hành của khí huyết, giúp điều hòa Âm – Dương, điều hòa cơ năng hoạt động của hệ kinh lạc, khi Âm – Dương cân bằng thì cơ thể không mắc bệnh.
Kích thích xung điện là kĩ thuật sau khi châm kim lên huyệt vị, thay kích thích vê tay bằng kích thích xung điện.
2. Cơ chế tác dụng
Các nghiên cứu về các dòng điện trên cơ thể đã đưa ra kết luận là:
Khi dòng xung điện có tần số thích hợp, cường độ, điện thế thấp thì tác dụng tốt để kích thích hoặc ức chế hệ thần kinh.
Điện châm là một phát triển mới của ngành châm cứu, kết hợp YHCT và YHHĐ, phát huy được cả tác dụng của kích thích lên huyệt vị, huyệt đạo và tác dụng của xung điện trên cơ thể.
Ngày nay người ta đã chứng minh được tác dụng của điện châm thông qua cơ chế thần kinh – nội tiết – thể dịch, cụ thể điện châm làm tăng bêta-endorphin, encephalin, serotonin và endomorphin-1 trong não và trong huyết tương. Các chất này làm tăng interleukin-2, interferon gama… tác dụng chống trầm cảm, lo âu, tạo sự dễ chịu, cân bằng vận động.
Mặt khác châm cứu là một kích thích gây ra cung phản xạ mới.Dựa vào hiện tượng chiếm ưu thế vỏ não của Utomski thì khi kích thích được đầy đủ sẽ tiến tới làm mất hoặc phá vỡ cung phản xạ bệnh lý.
3. Ảnh hưởng của Châm lên hàm lượng Serotonin; Cortisol trong huyết thanh.
Serotonin, còn được gọi là 5-hydroxytryptamine (5-HT), là một loại hormone được tìm thấy trong não, tiểu cầu, đường tiêu hóa và tuyến tùng. Nó hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh, và một chất co mạch. Sự thiếu hụt serotonin trong não được cho là nguyên nhân gây ra trầm cảm. Thuốc điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm đa phần dùng nhóm chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.
Cortisol (17-hydroxyl-11-dehydrocorticosterone) là một trong những hormone trục tuyến yên - vùng dưới đồi (HPA) được tiết ra từ tuyến thượng thận để phản ứng với căng thẳng. Sự hiện diện của các triệu chứng trầm cảm nặng là do nồng độ cortisol huyết thanh cao và được khuyến cáo như một dấu ấn sinh học của bệnh này. Điều trị chống trầm cảm cho thấy đã làm giảm lượng cortisol trong nước bọt và việc giảm nồng độ cortisol này có liên quan đáng kể đến việc cải thiện các triệu chứng trầm cảm.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy châm cứu có ảnh hưởng đến nồng độ Serotonin và Cortisol huyết tương.
Năm 1986, J.S. Han đã viết một bài báo trên Tạp chí Khoa học Thần kinh Quốc tế cung cấp bằng chứng từ các thí nghiệm trên động vật rằng châm cứu hoặc điện châm (EA) có khả năng đẩy nhanh quá trình tổng hợp và giải phóng serotonin (5-HT) và norepinephrine (NE) trong hệ thần kinh trung ương (CNS) ). Trong cùng năm đó, một nhóm các nhà khoa học Nga đã quan sát cách châm cứu có thể giúp những bệnh nhân mắc các triệu chứng trầm cảm-lo âu hoặc trầm cảm – triệu chứng nghi bệnh. Sau một phác đồ điều trị bằng châm cứu, các bệnh nhân đã có sự gia tăng bù đắp hoạt động của monoamine oxidase, một loại enzyme phân hủy norepinephrine (hormone tiết ra khi đối tượng có phản ứng chiến đấu hoặc chạy) và bình thường hóa mức serotonin trong máu và bài tiết norepinephrine, dopamine và DOPA trong nước tiểu; cả hai tác động này đều có thể cân bằng hormone kích thích và ổn định tâm trạng. Nghiên cứu trên đã xác minh rằng châm cứu có thể cải thiện sự cân bằng của các thông số sinh hóa và là một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân rối loạn trầm cảm nhẹ, đặc biệt là trầm cảm kèm lo âu.
4. Phác đồ điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm bằng phương pháp điện châm
Công thức huyệt điều trị:
- Châm tả các huyệt an thần:
+ Phong trì
+ Bách hội
+ Tứ thần thông
+ Thượng tinh
+ Thái dương
+ Đản trung
- Nếu do can và tâm khí uất kết
* Châm tả các huyệt
+ Hợp cốc + Thái xung + Trung đô + Tâm du + Cách du
* Châm bổ các huyệt
+ Nội quan + Huyết hải + Tam âm giao + Thần môn
- Nếu do Âm hư hỏa vượng
* Châm tả các huyệt an thần và các huyệt:
+ Khúc trì + Đại chùy + Khâu khư + Hợp cốc
* Châm bổ các huyệt
+ Tam âm giao + Thận du + Quan nguyên + Khí hải
- Nếu do Tâm – Tỳ khuy tổn
* Châm tả các huyệt an thần
* Châm bổ các huyệt
+ Thái bạch + Nội quan + Chi câu + Tâm du + Tam âm giao + Cách du + Túc tam lý
- Nếu do thận âm, thận dương lưỡng hư
* Châm tả các huyệt an thần
* Châm bổ các huyệt
+ Quan nguyên+ Mệnh môn + Khí hải + Thận du + Nội quan + Tam âm giao
- Liệu trình điều trị
Điện châm 30’/ lần x 1 lần/ ngày x 40 ngày ( 8 tuần) ( 5 ngày trong tuần, nghỉ thứ 7, chủ nhật).<span data-ccp-props="{"201341983":0,"335551550":6,"335551620":6,"335559685":720,"3
Tài liệu tham khảo
- American Psychiatric Association. (1994). Diagnostic and statistical manual of Mental disorder. fourth edition (DSM-IV).
- American Psychiatric Association. (2008). Mixed anxiety-depressive disorder (MADD): Comorbidity of mood and anxiety disorders. American Psychiatric Press , Washington, 195, 946-948.
- Bộ Y tế (2020). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp. 136 - 140
- Hoàng Bảo Châu (2010). Chứng uất. Nội khoa Y học cổ truyền, tr 136 - 145. Nhà xuất bản Thời đại.
- Nghiêm Hữu Thành. (2011). Nghiên cứu sự thay đổi một số chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa trên bệnh nhân bệnh lý cột sống thắt lưng được điều trị đau bằng điện châm. Tạp chí Y học thực hành.Tháng 7- số 1/2011, 22-25.
- Nguyễn Tài Thu. (1997). Châm cứu sau đại học. Nhà xuất bản Y học.
- Nguyễn Kim Việt. (2009). Lâm sàng và điều trị các rối loạn lo âu. Bộ môn tâm thần học, Đại học Y Hà Nội.
- Zheng, L. (2012). Acupunture and Hormone. Morrisville: LuLu.