Nghiên cứu tác dụng không mong muốn của thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trên bệnh nhân thái hóa khớp gối

  • 8
Cỡ chữ:

Tóm tắt

Mục tiêu: Đánh giá tác dụng không mong muốn của thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trên bệnh nhân thoái hóa khớp gối trên lâm sàng và một số chỉ số cận lâm sàng. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 45 bệnh nhân thoái hóa khớp gối điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương được điều trị bằng thủy châm chế phẩm chứa nọc ong. Theo dõi diễn biến lâm sàng trong 15 ngày điều trị, làm XN huyết học, hóa sinh 2 lần trước và sau điều trị. Kết quả: Triệu chứng đau tại thời điểm sau thủy châm lần đầu tiên xuất hiện ở 100% số BN nghiên cứu. Các triệu chứng hoa mắt, khó thở, mẩn ngứa, nhiễm trùng không xuất hiện trong suốt liệu trình 15 ngày điều trị. Các chỉ số sinh tồn, huyết học, hóa sinh không thay đổi tại các thời điểm nghiên cứu. Kết luận: Thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trong điều trị thoái hóa khớp gối không gây tác dụng không mong muốn trên lâm sàng, không làm ảnh hưởng tới chức năng tạo máu, chức năng gan, thận của người bệnh và là phương pháp điều trị an toàn.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong Đông y, nọc ong từ lâu được sử dụng trong chữa bệnh và đã có nhiều nghiên cứu chứng minh chất melitin trong nọc ong có hiệu quả để điều trị một số bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp… [1], [2], [3]. Có rất nhiều cách thức sử dụng nọc ong trong điều trị như cho ong đốt trực tiếp, tiêm dưới da, tiêm bắp... Một trong những hướng đi mà Y học cổ truyền đưa ra là sử dụng phương pháp thủy châm chế phẩm chứa nọc ong tức là tiêm một liều nhỏ chế phẩm chứa nọc ong vào huyệt để điều trị thoái hóa khớp gối, một bệnh lý mạn tính bao gồm tổn thương sụn khớp gối là chủ yếu, kèm theo tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và màng hoạt dịch, là nguyên nhân gây tàn tật cho người có tuổi đứng thứ 2 sau bệnh tim mạch [4], [5] 

Việc phát triển nghiên cứu sử dụng thuốc và phương pháp điều trị vừa có tác dụng chống viêm, giảm đau vừa ít tác dụng phụ cho người bệnh là hướng nghiên cứu có tính cập nhật và cần thiết. Tuy nhiên, thuốc dùng để phòng bệnh, chữa bệnh là một loại sản phẩm đặc biệt, phải đạt yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, có hiệu quả và an toàn. Khi sử dụng thuốc, song song với việc theo dõi tác dụng điều trị, còn cần quan tâm đến tác dụng không mong muốn của thuốc. 

Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu với mục tiêu đánh giá tác dụng không mong muốn của thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trên bệnh nhân thoái hóa khớp gối trên lâm sàng và một số chỉ số cận lâm sàng. 

 

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu:

45 bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp gối, điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, thời gian từ tháng 04/2019 đến tháng 12/2019, được lựa chọn theo tiêu chuẩn của Hội Khớp học Mỹ  thuộc giai đoạn 1, giai đoạn  2 theo phân loại Kellgren và Lawrence và được chẩn đoán hạc tất phong thể phong hàn thấp tý theo YHCT [4], [5], [6]. Bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu và không dị ứng với các thành phần đã biết của nọc ong. 

2. Phương pháp nghiên cứu 

* Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang, theo dõi trong 1 liệu trình 15 ngày điều trị. 

* Phương pháp tiến hành:45 bệnh nhân thoái hóa khớp gối được lựa chọn phù hợp với tiêu chuẩn nghiên cứu sẽ được điều trị bằng phương pháp thủy châm chế phẩm nọc ong liều 0,0025 mg/kg cân nặng vào các huyệt Huyết hải, Lương khâu, Dương lăng tuyền, Túc tam lý, với liệu trình thủy châm 1 lần/ngày vào buổi sáng x 15 ngày [7]. 

 

* Chỉ tiêu nghiên cứu và cách xác định các chỉ tiêu nghiên cứu 

- Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu gồm: nhóm tuổi, giới tính được đánh giá tại thời điểm vào viện bằng phương pháp phỏng vấn . 

- Triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, chảy máu, đau, dị ứng, nhiễm trùng, áp xe tại chỗ thủy châm được đánh giá tại thời điểm D0, D5, D10, D15 của liệu trình điều trị bằng phương pháp phỏng vấn kết hợp khám lâm sàng.  

- Chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp được tiến hành đánh giá tại 3 thời điểm D0, D10, D15 của liệu trình điều trị bằng monitor Nihon Kohden- Nhận Bản 

- Các chỉ tiêu cận lâm sàng được đánh giá tại 2 thời điểm trước điều trị và sau liệu trình 15 ngày điều trị, gồm: chỉ số huyết học (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và Hóa sinh (AST, ALT, Creatinin, Ure) bằng máy xét nghiệm Celltac Es (Mek -7300l) của hãng Nihon Kohden (Nhật Bản). 

3. Phương pháp xử lý số liệu:

Số liệu nghiên cứu được xử lý bằng chương trình SPSS 20.0. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05. 

 

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu 

Bảng 3.1. Phân bố bệnh nhân theo tuổi và giới tính 

Tuổi- Giới 

30 - 39 

40 - 49 

50 - 59 

60 

n 

% 

n 

% 

n 

% 

n 

% 

Nam (a) 

1 

2,2 

2 

4,4 

3 

3,3 

3 

3,3 

Nữ (b) 

1 

2,2 

3 

3,3 

18 

40 

14 

31 

Tuổi trung bình 

58,58 ± 8,53 

Nhận xét: Thoái hoá khớp gối gặp chủ yếu ở lứa tuổi trên 50 chiếm 71%) và tỷ lệ BN nữ mắc thoái hoá khớp gối nhiều hơn BN nam (p<0,01). Tuổi trung bình trong nghiên cứu là 58,58± 8,53 tuổi. 

 

Bảng 3.2. Phân bố bệnh nhân theo vị trí tổn thương khớp gối  

Vị trí khớp tổn thương 

Số lượng 

Tỷ lệ 

p 

Tổn thương 1 (1) khớp 

Bên phải (a) 

8 

17,78 

 

pa-b>0,05 

Bên trái (b) 

8 

17,78 

Tổn thương cả hai khớp (2) 

29 

64,44 

p1-2<0,01 

Nhận xét:Tỷ lệ bệnh nhân tổn thương cả hai khớp gối chiếm 64,44%, trong khi số bệnh nhân tổn thương 1 khớp chỉ chiếm 35,66% (p<0,01). 

 

2. Tác dụng không mong muốn của thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trên bệnh nhân thoái hóa khớp gối 

Bảng 3.3. Tác dụng không mong muốn trên lâm sàng 

Tác dụng không mong muốn 

Thời điểm đánh giá 

D1 

D5 

D10 

D15 

n 

% 

n 

% 

n 

% 

n 

% 

Đau 

45 

100 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

Hoa mắt chóng mặt 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

Khó thở 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

Mẩn ngứa 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

Chảy máu 

1 

0,02 

1 

0,02 

1 

0,02 

0 

0 

Nhiễm trùng 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

0 

 

Nhận xét: Qua theo dõi dọc trong liệu trình 15 ngày trên 45 BN được điều trị bằng thuỷ châm chế phẩm chứa nọc ong, cho thấy 100% BN bị đau ngay sau khi tiêm tại thời điểm sau thủy châm lần đầu tiên (D1) nhưng không kéo dài trong suốt quá trình điều trị. Có 3/45 BN bị chảy máu sau rút kim, xảy ra vào ngày điều trị thứ 5, 10, 15. Các triệu chứng còn lại như hoa mắt, khó thở, mẩn ngứa, nhiễm trùng không xuất hiện trong suốt liệu trình 15 ngày điều trị. 

 

Bảng 3.4. Thay đổi chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp của bệnh nhân thoái hóa khớp gối dưới ảnh hưởng của thủy châm chế phẩm chứa nọc ong  

Chỉ số 

Thời điểm nghiên cứu 

D0 (a) 

D10 (b) 

D15 (c) 

Mạch (lần/phút) 

79,56±2,43 

81,73±1,92 

80,20±2,32 

p1-2>0,05;  pc-a,b>0,05 

HA tối đa (mmHg) 

116,67±5,22 

117,33±5,7 

117,44±5,07 

p1-2>0,05;   pc-a,b>0,05 

HA tối thiểu (mmHg) 

74,22±4,76 

73,56±5,18 

74,67±5,16 

p1-2>0,05;   pc-a,b>0,05 

Nhịp thở (lần/phút) 

20,11±1,09 

19,91±0,83 

20,04±1,30 

p1-2>0,05;   pc-a,b>0,05 

Nhận xét: Không có sự khác biệt về chỉ số mạch, huyết áp và nhịp thở ở bệnh nhân nghiên cứu tại thời điểm trước và sau điều trị (p>0,05). 

 

Bảng 3.5. Thay đổi một số chỉ số huyết học và hóa sinh 

 

Chỉ số 

Thời điểm dánh giá (n=45) 

D0 (a) 

D15 (b) 

Số lượng hồng cầu (T/l) 

6,02±4,23 

6,11±4,23  

Số lượngbạch cầu (G/l) 

6,23±2,34 

6,31±1,54 

Số lượngtiểu cầu (G/l) 

250±105 

265±50 

Nồng độ Ure (mmol/l) 

5,87±2,67 

5,76±1,32 

Nồng độ Creatinin (µmol/l) 

72,10±13,69 

72,15±13,12 

Nồng độ Glucose (mmol/l) 

5,45 ± 0,67 

5,43±0,36 

Nồng độ AST (UI/l) 

19,56 ±10,45 

19,43±8,79 

Nồng độ ALT (UI/l) 

19,87±9,54 

19,68±9,12 

p 

pa-b>0,05 

Nhận xét: Không có sự khác biệt về hàm lượng Ure, Creatinin, Glucose, AST, ALT (p>0,05) tại thời điểm trước và sau điều trị. 

 

IV. BÀN LUẬN 

4.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu 

4.1.1. Đặc điểm về tuổi và giới: 

Kết quả nghiên cứu được trình bày ở bảng 3.1 cho thấy độ tuổi trung bình của bệnh nhân thoái hóa khớp gối trong nghiên cứu của chúng tôi là 58,58±8,53tuổi, trong đó bệnh nhân thoái hóa khớp gối từ 50 tuổi trở lên chiếm tới 85,56% (77/90 BN). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tuổi giữa các nhóm nghiên cứu với p > 0,05. Tỷ lệ bệnh nhân nữ mắc thoái hóa khớp gối nhiều hơn bệnh nhân nam ở tất cả các nhóm nghiên cứu (16/90 BN nam, chiếm 17,78%, 74/90 BN nữ, chiếm 82,22%), p<0,001. 

Độ tuổi trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi tương tự với kết quả trong các nghiên cứu của một số tác giả khác. Các tác giả đều đưa ra kết luận rằng thoái hóa khớp gối thường gặp ở lứa tuổi trên 50 và tỷ lệ mắc bệnh nữ giới cao hơn so với nam giới [4], [5].  

Cho đến nay vẫn chưa có giải thích thỏa đáng nhưng có nhiều tác giả cho rằng thoái hóa khớp gối chiếm tỷ lệ cao ở lứa tuổi trên 50, chủ yếu gặp ở nữ giới có thể là do theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao thì các tế bào sụn càng già đi, khả năng tổng hợp collagen và mucopolysaccharid bị giảm sút và rối loạn, chất lượng sụn sẽ kém, giảm khả năng đàn hồi và chịu lực. Giới nữ dễ bị thoái hóa khớp hơn nam là do sự thay đổi hormone thường gặp ở giai đoạn tiền mãn kinh, sự suy giảm hormone sinh dục nữ làm giảm tế bào sụn làm cho bệnh thoái hóa khớp gối phát triển. Những nghiên cứu của các tác giả cho thấy người sử dụng hormone thay thế thì giảm tỷ lệ thoái hóa khớp gối và khớp háng so với những người không dùng. Cũng chính vì lý do đó mà một trong các yếu tố thuộc tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối của Hội thấp khớp học Mỹ (ACR 1991) là tuổi của bệnh nhân trên 40 tuổi.Vì thế, có thể thấy rõ rằng yếu tố nguy cơ cao nhất của thoái hóa khớp chính là tuổi tác và giới tính [4], [5], [8]. 

 

4.1.2. Đặc điểm vị trí tổn thương 

Theo kết quả bảng 3.2, trong số 45 bệnh nhân được lựa chọn để nghiên cứu thì số bệnh nhân thoái hóa cả hai khớp gối chiếm tỷ lệ cao nhất 62,22%, thoái hóa một khớp là 37,78%, trong đó tỷ lệ thoái hóa khớp gối phải là 21,11%, khớp gối trái là 16,67%. 

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự với kết luận trong nghiên cứu của một số tác giả khi nghiên cứu điều trị thoái hóa khớp gối cho thấy tỷ lệ thoái hóa cả hai khớp chiếm 42,23%, cao hơn so với số bệnh nhân thoái hóa khớp gối phải (31,06%) và khớp gối trái (26,69%) [4], [5], [8]. 

Như chúng ta đã biết, khớp gối là khớp chịu lực, có góc vận động lớn, nhiều chức năng nên trở thành một trong những vị trí khớp dễ bị thoái hóa. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân thường đau một bên khớp, sau đó bệnh tiến triển sẽ dẫn đến thoái hóa cả hai bên. Thoái hóa khớp gối là bệnh tiến triển mạn tính nên thời điểm bệnh nhân đến khám thường bị tổn thương cả hai khớp[4], [5], [8]. 

 

4.2. Về tác dụng không mong muốn của phương pháp thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trong điều trị thoái hóa khớp gối. 

4.2.1. Về tác dụng không mong muốn của thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trong điều trị thoái hóa khớp gối trên lâm sàng 

Một trong những tiêu chí mà các nhà nghiên cứu cũng như các nhà lâm sàng quan tâm khi áp dụng một phương pháp trị liệu mới đó là tính an toàn của phương pháp đó.  

Để đánh giá tính an toàn và tác dụng không mong muốn của phương pháp thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trong điều trị thoái hóa khớp gối, chúng tôi đã tiến hành thu nhập số liệu về những tai biến, biến chứng (có thể xảy ra) của phương pháp này bằng phỏng vấn trước và sau điều trị cũng như quan sát lâm sàng trong suốt liệu trình 15 ngày điều trị. Trong phần khám sàng lọc ban đầu, chúng tôi đã loại trừ các bệnh nhân không phù hợp với chỉ định điều trị bằng chế phẩm có chứa nọc ong như người bệnh có tiền sử dị ứng, có bệnh lý gan thận kèm theo..... Những bệnh nhân được lựa chọn vào nghiên cứu để điều trị, chúng tôi cũng hỏi rất tỷ mỉ về tiền sử vựng châm, về dị ứng và mẫn cảm nói chung và dị ứng với các loại thuốc tân dược. Qua mỗi lần điều trị chúng tôi đều hỏi cảm giác của bệnh nhân đồng thời quan sát sắc mặt, bề mặt da đặc biệt là vùng huyệt vừa được thủy châm điều trị để kịp thời phát hiện và xử lý các biểu hiện bất thường (nếu có) xảy ra.  

Qua thực tế lâm sàng và tiến hành quan sát dọc theo 15 ngày của liệu trình điều trị cho 45 bệnh nhân thoái hóa khớp gối được điều trị thủy châm chế phẩm chứa nọc ong chúng tôi nhận thấy không có trường hợp nào xảy ra hiện tượng hoa mắt chóng mặt, mẩn ngứa, khó thở hay nhiễm trùng tại vị trí huyệt thủy châm. Tuy nhiên, với triệu chứng đau sau khi thuỷ châm thì chủ yếu xuất hiện trong 5 ngày đầu điều trị, các ngày điều trị sau hầu như không có bệnh nhân thấy đau. Qua đó chúng ta thấy rằng triệu chứng đau được giảm dần theo thời gian điều trị. 

Theo kết quả tại bảng 3.3, chỉ có 3/45 bệnh nhân có hiện tượng chảy máu ở tất cả các nhóm nghiên cứu trong liệu trình 15 ngày điều trị, trong đó có 1 trường hợp chảy máu xảy ra vào ngày điều trị đầu tiên, 1 trường hợp chảy máu xảy ra vào ngày điều trị thứ 5 và 1 trường hợp xảy ra vào ngày điều trị thứ 10. Điều này cho thấy tai biến chảy máu sau khi rút kim có thể xảy ra do một số bệnh nhân có cấu tạo mạch máu đặc biệt, thành mạch yếu ngay cả khi thủy châm vitamin, chúng tôi cũng có thể gặp tai biến này. Tuy nhiên với số lượng 03 trường hợp trên cỡ mẫu 45 bệnh nhân nghiên cứu thì con số này chưa có ý nghĩa về mặt thống kê. Các kết quả nghiên cứu được trình bày trên bảng 3.4 cho thấy chỉ số sinh lý (mạch, huyết áp, nhịp thở) của bệnh nhân thoái hóa khớp gối đều ổn định trong suốt quá trình điều trị, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tại các thời điểm D0, D10, D15 (p>0,05). 

Từ các dẫn liệu trên cho phép khẳng định rằng kỹ thuật thủy châm chế phẩm chứa nọc ong là an toàn và không có tai biến hay biến chứng nào đáng kể nào trên lâm sàng. 

4.2.2. Về tác dụng không mong muốn của thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trong điều trị thoái hóa khớp gối thông qua sự biến đổi một số chỉ số huyết học, hóa sinh. 

Để khẳng định tính an toàn của phương pháp thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trong điều trị thoái hóa khớp gối, chúng tôi tiến hành đánh giá các thay đổi một số chỉ số huyết học, hóa sinh của bệnh nhân tại các thời điểm trước và sau điều trị.  

Các kết quả nghiên cứu được trình bày trên bảng 3.5 cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về chỉ chỉ số huyết học (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), cũng như các chỉ số hóa sinh ( creatinin, AST, ALT) trong máu người bệnh tại các thời điểm D0, D15 (p>0,05). 

Như vậy, qua khảo sát lâm sàng và các số liệu cận lâm sàng cho thấy các chỉ số sinh hóa, huyết học của bệnh nhân thoái hóa khớp gối đều ổn định trong suốt quá trình điều trị, điều này cho phép chúng tôi khẳng định rằng kỹ thuật thủy châm chế phẩm chứa nọc ong là an toàn. 

Tuy nhiên, để đảm bảo được tính an toàn trong điều trị thì yêu cầu người thầy thuốc phải nắm vững kỹ thuật thủy châm và cách sử dụng thuốc để thủy châm và nắm vững về giải phẫu để tránh gây thương tổn cho người bệnh khi thực hiện châm kim vào huyệt với các chú ý như sau:

- Kiểm tra thuốc thủy châm theo quy định: 3 tra (Kiểm tra tên người bệnh, Kiểm tra tên thuốc, Kiểm tra liều dùng thuốc); 5 đối (Đối chiếu số giường, số phòng; Đối chiếu nhãn thuốc; Đối chiếu chất lượng thuốc; Đối chiếu đường dùng thuốc; Đối chiếu thời gian dùng thuốc); 5 đúng (Đúng người bệnh; Đúng thuốc; Đúng liều; Đúng đường dùng; Đúng thời gian) 

- Tăng cường công tác vô khuẩn (buồng bệnh, dụng cụ, bơm tiêm…) 

- Chuẩn bị đầy đủ xe tiêm theo quy định (hộp chống sốc, ….) 

- Thường xuyên tập huấn kỹ thuật thủy châm cũng như xử lý cấp cứu cho đội ngũ thầy thuốc làm thủy châm

KẾT LUẬN 

Qua nghiên cứu thủy châm chế phẩm chứa nọc ong vào huyệt trên 45 BN thoái hóa khớp gối trong liệu trình điều trị 15 ngày chúng tôi rút ra kết luận như sau: 

Thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trong điều trị thoái hóa khớp gối không gây tác dụng không mong muốn trên lâm sàng, không làm ảnh hưởng tới chức năng tạo máu và chức năng gan, thận của người bệnh. Thủy châm chế phẩm chứa nọc ong là phương pháp điều trị an toàn. 

 

Từ khóa

Thoái hóa khớp gối,thủy châm chế phẩm chứa nọc ong,tác dụng không mong muốn

Tài liệu tham khảo

  1. Son, D. J., Lee, J. W., Lee, Y. H., Song, H. S., Lee, C. K., & Hong, J. T. (2007),Therapeutic application of anti-arthritis, pain-releasing, and anti-cancer effects of bee venom and its constituent compounds, Pharmacology & therapeutics, 115(2), 246-270.   
  2. Lee, S. H., Lee, H. J., et al (2003),Effects of Bee Venom on the pain, edema, and acute inflammatory reactant of Rheumatoid Arthritis patients. Journal of Acupuncture Research, 20(2), 77-84. 
  3. Kang, S. S., Pak, S. C., & Choi, S. H. (2002),The effect of whole bee venom on arthritis. The American journal of Chinese medicine, 30(01), 73-80. 
  4. Ngô Quý Châu (2012), Thoái hoá khớp gối, Bệnh học nội khoa tập II, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội 
  5.  Nguyễn Thị Ngọc Lan (2012), Thoái hóa khớp. Bệnh học cơ xương khớp nội khoa. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: tr.138-151 
  6. Nguyễn Tài Thu (2003), Châm cứu chữa bệnh, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội. 
  7. Bộ Y tế (2013), Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám chữa bệnh chuyên ngành châm cứu, NXB Y học. 
  8. Phạm Hồng Vân (2018), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng bệnh nhân thoái hóa khớp gối bằng điện châm kết hợp tập dưỡng sinh và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến kết quả điều trị”. Tạp chí Y học thực hành số 1067 (2), tr. 63-65 
  9. Prieto-Alhambra, D., Judge, A., Javaid, M. K., Cooper, C., Diez-Perez, A., & Arden, N. K. (2014). Incidence and risk factors for clinically diagnosed knee, hip and hand osteoarthritis: influences of age, gender and osteoarthritis affecting other joints. Annals of the rheumatic diseases, 73 (9),1659-166 
Hoặc

Đăng nhập bằng gmail

Đăng nhập bằng gmail