Tóm tắt
Mục tiêu: đánh giá ảnh hưởng của bài tập dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng kết hợp điện châm tới triệu chứng cơ năng và thực thể của bệnh nhân đau thắt lưng do thoái hóa cột sống. Phương pháp: nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, so sánh trước sau có nhóm chứng. Kết quả: sử dụng kết hợp bài tập dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng và điện châm có tác dụng cải thiện một số biểu hiện ở bệnh nhân đau thắt lưng do thoái hóa cột sống: giảm cảm giác đau theo VAS, cải thiện tầm vận động khớp, cải thiện chức năng cột sống theo ODI, kết quả điều trị chung đạt tốt và khá là 86.6%. Tác dụng này thấy rõ rệt sau 30 ngày điều trị, khác biệt với nhóm sử dụng châm cứu với p < 0,05.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đau vùng thắt lưng (low back pain) là một hội chứng bệnh gặp nhiều ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ước tính có khoảng 65–85% những người trưởng thành trong cộng đồng có biểu hiện của đau cột sống thắt lưng (CSTL) cấp tính hoặc từng đợt một vài lần trong cuộc đời và khoảng 10% trong số này chuyển thành đau CSTL mạn tính [1]. Con số này có sự thay đổi và gia tăng không ngừng hằng năm. Đau vùng thắt lưng có thể xảy ra ở mọi đối tượng, đặc biệt hay gặp ở lứa tuổi người lao động. Tuy không ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh nhưng thường gây đau âm ỉ, kéo dài làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, khả năng làm việc, sinh hoạt và kinh tế người bệnh.
Theo y học cổ truyền, đau thắt lưng được miêu tả trong phạm vi “chứng tý” với bệnh danh: yêu thống. Y học cổ truyền có rất nhiều phương pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc, trong đó châm cứu là phương pháp đem lại hiệu quả điều trị cao, đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu khoa học [2]. Qua thực tiễn lâm sàng chúng tôi nhận thấy tập luyện dưỡng sinh theo phương pháp của bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng là một phương pháp dễ thực hiện, bệnh nhân có thể tự tập được, có tác dụng tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, trị một số bệnh mạn tính, tiến tới sống lâu và sống có ích. Phương pháp điều trị đau thắt lưng bằng điện châm kết hợp với bài tập dưỡng sinh của bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng là một phương pháp dễ thực hiện, nhưng cần tìm hiểu một cách khoa học và hệ thống, giúp cho các bác sỹ lâm sàng có thêm sự lựa chọn các phương pháp điều trị. Với mục đích đó, chúng tôi nghiên cứu đề tài này với mục tiêu: đánh giá ảnh hưởng của bài tập dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng kết hợp điện châm tới triệu chứng cơ năng và thực thể của bệnh nhân đau thắt lưng do thoái hóa cột sống.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Chất liệu nghiên cứu
- Bài tập dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng gồm 4 bước: thư giãn, thở 4 thì, tập vận động, tự bấm huyệt. Mỗi lần tập 30 phút, ngày tập 1 lần [3].
- Châm cứu: sử dụng phác đồ huyệt trong “Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu” ban hành kèm theo quyết định số 792/QĐ-BYT ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế gồm:
+ Châm tả: A thị huyệt; Giáp tích L1-S1; Đại trường du (VII.24); Yêu dương quan (XIII.3).
+ Châm bổ: Thận du (VII.23), Can du (VII.18).
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, so sánh trước sau có nhóm chứng. 60 bệnh nhân được chẩn đoán đau thắt lưng thể phong hàn thấp kết hợp can thận hư của Y học cổ truyền [2], điều trị tại Bệnh viên Tuệ Tĩnh từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2020. Bệnh nhân được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm:
- Nhóm nghiên cứu (NNC): 30 bệnh nhân, tập dưỡng sinh ngày 1 lần, châm cứu ngày 1 lần.
- Nhóm đối chứng (NĐC: 30 bệnh nhân, châm cứu ngày 1 lần.
Bệnh nhân được sử dụng phương pháp điều trị tương ứng trong 30 ngày liên tục. Theo dõi các chỉ tiêu nghiên cứu tại thời điểm D0, D15, D30 bao gồm: cảm giác đau theo VAS, tầm vận động cột sống, chức năng cột sống theo ODI, kết quả điều trị chung.
2.3. Phương pháp xử lý số liệu
Số liệu được xử lý bằng phương pháp y sinh học với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 16.0. Sử dụng thuật toán χ2 với số liệu định tính; so sánh trước sau bằng thuật toán so sánh từng cặp paired-sample T-test, so sánh đối chứng bằng thuật toán kiểm định giá trị trung bình của hai mẫu độc lập Independent-sample T-test.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Tác dụng giảm đau

Biểu đồ 1. Sự thay đổi điểm VAS TB trước và sau can thiệp
Nhận xét: Điểm đau VAS có sự cải thiện rõ qua các thời điểm nghiên cứu. Trong đó, NNC tốt hơn NĐC (p < 0,05).

Biểu đồ 2. Biến đổi phân loại điểm VAS tại các thời điểm theo dõi
Nhận xét: Phân loại điểm đau VAS có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa NNC và NĐC (p < 0,05). Sau 30 ngày can thiệp, tỷ lệ bệnh nhân không đau ở NNC cao hơn NĐC.
3.2. Cải thiện tầm vận động cột sống
Bảng 1. Sự thay đổi tầm vận động trước-sau can thiệp
Tầm vận động | NNC (n=30) | NĐC (n=30) | pNNC-NĐC | |||||||
Tốt | Khá | TB | Kém | Tốt | Khá | TB | Kém | |||
Cúi (n,%) | D0 | 3(10,0) | 9(30,0) | 16() | 2(6,7) | 4(13,3) | 11(36,7) | 14(46,7) | 1(3,3) | D0 > 0,05 D15 > 0,05 D30 <0,05 |
* TB | 45,77 ± 12,34 | 48,00 ± 15,78 | ||||||||
D15 | 18(60,0) | 5(16,7) | 6(20,0) | 1(3,3) | 14(46,) | 3(10,0) | 7(23,3) | 0(0) | ||
* TB | 60,90 ± 5,66 | 62,90 ± 13,70 | ||||||||
D30 | 28(93,3) | 2(6,7) | 0(0) | 0(0) | 20(66,) | 5(16,7) | 5(16,7) | 0(0) | ||
* TB | 67,89 ± 7,90 | 60,00 ± 13,11 | ||||||||
Ngửa (n,%) | D0 | 4(13,3) | 22(73,) | 2(6,7) | 2(6,7) | 3(10,0) | 20(66,) | 5(16,7) | 2(6,7) | D0 > 0,05 D15 > 0,05 D30 < 0,05 |
* TB | 16,04 ± 4,21 | 17,01 ± 3,09 | ||||||||
D15 | 20(66,7) | 4(13,3) | 6(20,0) | 0(0) | 18(60,) | 8(26,7) | 4(13,3) | 0(0) | ||
* TB | 20,99 ± 4,05 | 20,77 ± 3,07 | ||||||||
D30 | 26(86,7) | 4(13,3) | 0(0) | 0(0) | 22(73,3) | 4(13,3) | 4(13,3) | 0(0) | ||
* TB | 24,78 ± 6,79 | 22,34 ± 3,90 | ||||||||
Nghiêng bên đau (n,%) | D0 | 3(10,0) | 23(76,7) | 1(3,3) | 3(10,0) | 2(6,7) | 22(73,3) | 3(10,0) | 2(6,7) | D0 > 0,05 D15 > 0,05 D30 < 0,05 |
* TB | 15,90 ± 4,90 | 15,56 ± 5,93 | ||||||||
D15 | 15(50,0) | 12(40,0) | 3(10,0) | 0(0) | 10(33,3) | 12(40,0) | 8(26,7) | 0(0) | ||
* TB | 25,67 ± 13,44 | 23,09 ± 12,11 | ||||||||
D30 | 24(80,0) | 6(20,0) | 0(0) | 0(0) | 19(63,3) | 8(26,7) | 3(10,0) | 0(0) | ||
* TB | 28,76 ± 3,89 | 25,67 ± 5,90 | ||||||||
Xoay bên đau (n,%) | D0 | 5(16,7) | 17 | 3(10,0) | 5(16,7) | 3(10,0) | 17 | 6(20,0) | 4(13,3) | D0>0,05 D15>0,05 D30<0,05 |
* TB | 17,89 ± 9,00 | 18,98 ± 4,11 | ||||||||
D15 | 21(70,0) | 9(30,0) | 0(0) | 0(0) | 18(60,0) | 10(33,3) | 2(6,7) | 0(0) | ||
* TB | 25,67 ± 4,44 | 24,89 ± 5,00 | ||||||||
D30 | 28(93,3) | 2(6,7) | 0(0) | 0(0) | 20(66,7) | 6(20,0) | 4(13,3) | 0(0) | ||
* TB | 27,89 ± 4,55 | 25,77 ± 6,01 |
Nhận xét: Tầm vận động ở các tư thế cơ bản (cúi, ngửa, nghiêng, xoay) đều cải thiện tốt sau 30 ngày điều trị, trong đó NNC tốt hơn NĐC (p<0,05).
3.3. Sự thay đổi điểm ODI trước và sau can thiệp
Bảng 2. Sự thay đổi giá trị trung bình điểm ODI trước-sau can thiệp
Thời điểm | NNC (n=30) ?-">X−?- ± SD | NĐC (n=30) ?-">X−?- ± SD | pNNC-NĐC |
D0 | 30,09 ± 8,11 | 30,12 ± 7,93 | > 0,05 |
D15 | 18,95 ± 6,43 | 23,44 ± 6,98 | > 0,05 |
D30 | 9,04 ± 3,56 | 12,89 ± 4,01 | < 0,01 |
p | pD0-D15 >0,05 pD0-D30 <0,05 | pD0-D15 >0,05 pD0-D30 <0,05 |
|
Nhận xét: Điểm ODI trung bình có sự cải thiện tốt sau 30 ngày can thiệp, trong đó NNC tốt hơn NĐC (p < 0,01).

Biểu đồ 3. Sự thay đổi phân loại điểm ODI trước-sau can thiệp
Nhận xét: Sau 30 ngày can thiệp, điểm ODI phân mức tốt ở NNC cao hơn NĐC (77,7% với 60%). Có 10% bệnh nhân NĐC có điểm ODI mức kém. Sự khác biệt về phân loại điểm ODI ở NNC tốt hơn NĐC (p < 0,05).
3.4. Hiệu quả điều trị chung sau 30 ngày can thiệp

Nhận xét: Sau 30 ngày can thiệp, tỷ lệ hiệu quả ở NNC tốt hơn NĐC với 63,3% bệnh nhân đạt kết quả Tốt và không còn bệnh nhân nào ở mức không hiệu quả. Tỷ lệ này ở NĐC là 40% đạt Tốt và còn 6,7% không có hiệu quả/ không cải thiện sau can thiệp. Khác biệt hai nhóm p < 0.05.
IV. BÀN LUẬN
Đau là triệu chứng nổi bật trong các bệnh lý cơ xương khớp, cột sống và cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, khiến họ phải đi khám và điều trị. Đau trong thoái hóa cột sống thắt lưng do gai xương tại các vị trí tỳ đè gây kéo căng các đầu mút thần kinh màng xương. Dây chằng bị co kéo trục khớp bị tổn thương, mất ổn định và bản thân tình trạng thoái hóa của dây chằng gây giãn dây chằng, dẫn đến mất ổn định trục khớp làm thoái hóa ngày càng trầm trọng hơn. Chính vì vậy giảm hoặc cắt được đau là mục tiêu quan trọng nhất trong điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng nói riêng cũng như các bệnh lý cơ xương khớp nói chung.
Điểm đau VAS được chúng tôi đánh giá vào 3 mốc quan trọng là trước điều trị, sau 15 ngày và sau 30 ngày can thiệp. Giá trị trung bình của điểm VAS có sự thay đổi rõ rệt qua từng thời điểm theo dõi: Trước điều trị, giá trị trung bình điểm đau VAS của NNC là 5,01 ± 2,24 không có sự khác biệt so với NĐC là 4,89 ± 2,03 (p > 0,05). Phần lớn các bệnh nhân trong nghiên cứu đi khám ở mức độ đau trung bình, chiếm 66,6% ở NNC và 70% ở NĐC. Đánh giá sau 30 ngày điều trị, tỷ lệ bệnh nhân hết đau và đau nhẹ của cả hai nhóm đều tăng lên rõ rệt so với trước điều trị. Trong đó nhóm nghiên cứu: không đau 73,3%, đau nhẹ 26,7%; nhóm đối chứng: không đau 53,4%, đau nhẹ 33,3%. Không còn bệnh nhân đau nhiều ở cả hai nhóm. So sánh kết quả giảm đau giữa hai nhóm thấy được tỷ lệ bệnh nhân không đau ở NNC cao hơn NĐC, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với (p < 0,05). Như vậy, xét về hiệu quả điều trị theo chỉ số VAS trung bình thì NNC điều trị dùng phương pháp điện châm kết hợp tập dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng có hiệu quả giảm đau mạnh hơn so với NĐC điều trị điện châm đơn thuần.
Đau và hạn chế tầm vận động cột sống thắt lưng ở bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng gây hạn chế trong sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, làm giảm chất lượng cuộc sống. Để đánh giá ảnh hưởng của đau vùng thắt lưng do thoái hóa cột sống lên sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi sử dụng thang điểm ODI gồm các tiêu chí: cường độ đau vùng thắt lưng, nhấc đồ vật, đi bộ, ngồi, đứng, đi bộ, ngủ, vệ sinh cá nhân, sở thích riêng, lĩnh vực đời sống tình dục và đời sống xã hội trong nghiên cứu này. Kết quả thu được, điểm chức năng sinh hoạt hàng ngày ODI của bệnh nhân thấp dần đều qua các giai đoạn điều trị ở cả NNC và NĐC (bảng 2). Tỷ lệ bệnh nhân có mất chức năng vận động giảm dần theo thời gian điều trị, trong đó, NNC có sự cải thiện tốt hơn NĐC (p<0,05) (biểu đồ 3). Trước điều trị, các chức năng sinh hoạt hàng ngày của nhóm nghiên cứu và nhóm chứng là đồng nhất. Sau 30 ngày điều trị, các chức năng sinh hoạt này của mỗi nhóm đều cải thiện rõ rệt, tỉ lệ tốt của nhóm nghiên cứu đạt 77,7%, không còn bệnh nhân trung bình và kém. Ở nhóm đối chứng tỉ lệ tốt 60%, còn 10% bệnh nhân có chức năng sinh hoạt hàng ngày ở mức độ trung bình, không có bệnh nhân mức độ kém.
Phân bố hiệu quả điều trị chung dựa trên đánh giá các tiêu chí chính bao gồm: sự thay đổi mức độ đau theo thang điểm VAS, sự thay đổi tầm vận động cột sống thắt lưng (bao gồm cúi, ngửa, nghiêng và xoay) cùng với điểm ODI theo phương pháp hiệu số tuyệt đối nhằm đánh giá phần trăm thay đổi của các chỉ tiêu nghiên cứu tại thời điểm trước và sau can thiệp. Kết quả điều trị được chia ra thành 4 mức: Tốt, Khá, Trung bình, Kém. Dựa vào đặc điểm của đối tượng nghiên cứu, thang điểm đau VAS và tầm vận động cột sống cổ, điểm ODI trước điều trị ta nhận thấy nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng có sự tương đồng về tuổi, giới, thời gian bị bệnh, đặc điểm trên lâm sàng. Biểu đồ 4 cho thấy, ở NNC, hiệu quả chung sau 30 ngày đạt tốt là 63,3%; khá là 23,3% và TB là 13,3%. Ở NĐC, tỷ lệ này lần lượt là 40%; 33,3%; 20%. Nhóm đối chứng có 6,7% bệnh nhân sau 30 ngày điều trị không có hiệu quả. Những trường hợp này hầu hết đều rơi vào nhóm bệnh nhân tuổi cao, có bệnh lý nội khoa mạn tính kèm theo và đáp ứng điều trị chậm. Khác biệt về kết quả điều trị chung ở hai nhóm có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Kết quả này tương đương với kết quả của tác giả Lương Thị Dung (2008) đánh giá tác dụng của điện châm và xoa bóp bấm huyệt điều trị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống tỷ lệ khá tốt 88,6% . Lại Đoàn Hạnh nghiên cứu thủy châm Bidizym điều trị hội chứng thắt lưng hông trên 35 bệnh nhân kết quả tốt đạt 57,14%; khá 31,43% Trần Thị Kiều Lan (2009) đánh giá tác dụng của điện châm kết hợp thủy châm trong điều trị đau thắt lưng do thoái hóa CSTL trên 60 bệnh nhân kết quả tốt đạt 80%, khá 16,7%.
V. KẾT LUẬN
Sử dụng kết hợp bài tập dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng và điện châm có tác dụng cải thiện một số biểu hiện ở bệnh nhân đau thắt lưng do thoái hóa cột sống: giảm cảm giác đau theo VAS, cải thiện tầm vận động khớp, cải thiện chức năng cột sống theo ODI, kết quả điều trị chung đạt tốt và khá là 86.6%. Tác dụng này thấy rõ rệt sau 30 ngày điều trị, khác biệt với nhóm sử dụng châm cứu với p < 0,05.
Từ khóa
đau thắt lưng,dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng,triệu chứng cơ năng
Tài liệu tham khảo
- Trần Ngọc Ân, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Đặng Hồng Hoa (2015), Đau thắt lưng, Phác đồ chẩn đoán điều trị bệnh cơ xương khớp, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, 198-203.
- Bộ môn YHCT, Trường đại học y Hà Nội (2011), Bài giảng y học cổ truyền tập II, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 166- 168.
- Bộ Y tế (2013), Nguyễn Nhược Kim chủ biên. Châm cứu và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, Sách đào tạo Bác sỹ chuyên khoa YHCT, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 292 – 296.
- Bộ Y tế (2015). Quy trình kỹ thuật châm cứu, Tài liệu hướng dẫn Quy trình khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu, Quy trình 42, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Lương Thị Dung (2008), Đánh giá tác dụng của phương pháp điện châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt điều trị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, Khóa luận tốt nghiệp bác sỹ Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.
- Lại Đoàn Hạnh (2008), Đánh giá tác dụng điều trị hội chứng thắt lưng hông bằng phương pháp thủy châm, Luận văn chuyên khoa cấp II, trường ĐHY Hà Nội
- Trần Thị Kiều Lan (2009), Đánh giá tác dụng của điện châm kết hợp với thủy châm trong điều trị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, Luận văn thạc sỹ Y học, Trường đại học Y Hà Nội.