Bước đầu đánh giá tác dụng hỗ trợ điều trị của điện châm với một số thể rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

  • 2

Tóm tắt

Mục tiêu: Bước đầu khảo sát hiệu quả và tác dụng không mong muốn của điện châm với một số thể rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm tại Hà Nội. Đối tượng và phương pháp: Được tiến hành theo phương pháp tiến cứu, chọn mẫu có chủ đích, can thiệp lâm sàng, có so sánh trước và sau khi điều trị trên 10 bệnh nhân. Kết quả: Các triệu chứng lo âu trầm cảm giảm dần theo các thời điểm điều trị được thể hiện qua các thang điểm HARS và HDRS (đều giảm số lượng bệnh nhân từ mức độ vừa sang nhẹ hoặc không còn triệu chứng), thang điểm Test Zung giảm dần từ 62,4±6,3 xuống còn 48,4±8,1 và thang điểm Test Beck giảm từ 23,1±2,8 xuống còn 14,8±3,7 tại thời điểm kết thúc điều trị (với p<0,05). Kết luận: Có sự thay đổi các triệu chứng theo chiều hướng tốt trên lâm sàng, cải thiện các chỉ số trên thang điểm đánh giá. Các tác dụng không mong muốn xuất hiện với tần suất thấp và có thể khắc phục được. Có thể triển khai quy trình điện châm hỗ trợ rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm trên toàn bộ 60 bệnh nhân thuộc nhóm nghiên cứu.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là bệnh thường gặp trong cộng đồng, cùng với cuộc sống hiện đại ngày một căng thẳng nhiều áp lực cho nên bệnh có xu hướng ngày một tăng. Trên thế giới tỷ lệ mắc bệnh từ khoảng 0.8 – 1.7% dân số, chiếm từ 10 đến 20% người bệnh nội trú tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần [1]. Bệnh mới mắc có triệu chứng không rõ ràng, mức độ đôi khi không trầm trọng dẫn tới bệnh nhân không đi khám hoặc đi khám không đúng chuyên khoa tâm thần dẫn tới bệnh nặng thêm, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém chi phí cho xã hội và ảnh hưởng đến khả năng lao động của bản thân bệnh nhân.

Y học cổ truyền với hàng nghìn năm kinh nghiệm, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm nằm trong phạm vi chứng uất, các triệu chứng của bệnh được điều trị có hiệu quả bằng phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc như điện châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt….[2]

Trước khi đưa một quy trình kỹ thuật mới áp dụng điều trị cho số lượng bệnh nhân lớn, chúng tôi triển khai áp dụng thử nghiệm trên 10 bệnh nhân nhằm xác định mức độ chấp nhận tác dụng hỗ trợ điều trị trên lâm sàng, khảo sát tác dụng không mong muốn...

Vì vậy với mục đích mang lại một phương pháp điều trị có hiệu quả, ít tác dụng không mong muốn, tận dụng những thế mạnh của Y học hiện đại và Y học cổ truyền, phù hợp với xu hướng thời đại, hiện đại hóa Y học cổ truyền, kết hợp YHCT và YHHĐ chúng tôi tiến hành nghiên cứu: “Bước đầu đánh giá tác dụng hỗ trợ điều trị của điện châm với một số thể rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm” với hai mục tiêu:

  1. Bước đầu khảo sát hiệu quả của điện châm với một số thể rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm.
  2. Bước đầu khảo sát tác dụng không mong muốn của phương pháp điện châm.
  3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
  4. Đối tượng nghiên cứu

Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm mã F41.2 theo tiêu chuẩn ICD – 10 từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2022 tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, được lựa chọn vào nghiên cứu thỏa mãn các tiêu chuẩn sau:

  • Tiêu chuẩn lựa chọn theo y học hiện đại:

- Là những bệnh nhận (BN) được chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm theo tiêu chuẩn của bảng phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10 (F41.2), với các biểu hiện lo âu không có chủ đề rõ ràng, mơ hồ. Có một số các triệu chứng thần kinh tự trị như chân tay run, vã mồ hôi, kém tập trung chú ý, ăn không ngon miệng, căng thẳng, bồn chồn, khó thư giãn được, đánh trống ngực, khô miệng, rối loạn giấc ngủ...

- Bệnh nhân > 18 tuổi, tự nguyện tham gia nghiên cứu và tuân thủ quy trình nghiên cứu.

  • Tiêu chuẩn lựa chọn theo y học cổ truyền:
  • Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh danh theo YHCT là chứng uất thuộc thể Can khí uất kết và Khí uất hóa hỏa với biểu hiện [3]:

    Thể /

Tứ chẩn

 

Can khí uất kết

 

Khí uất hóa hỏa

Vọng

Rêu lưỡi mỏng nhờn

Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng

Văn

Thở dài. Ợ hơi. Nôn

Không có gì đặc biệt

Vấn

Tinh thần uất ức, tình chí không yên. Đau đầu, khó ngủ. Ngực sườn trướng đau, dạ dày khó chịu, bụng trướng, không muốn ăn. Đại tiện thất thường.

Phụ nữ bế kinh

Tính tình nóng nảy dễ tức giận. Đầu đau, ù tai, ngủ kém. Ngực sườn trướng đau, miệng khô đắng, nuốt chua, bụng cồn cào. Đại tiện bí kết

Thiết

Mạch: Huyền

Mạch: Huyền Sác

1.3. Tiêu chuẩn loại trừ:

- Bệnh nhân có lo âu và lo lắng quá mức, không có triệu chứng thần kinh tự trị

- Triệu chứng trầm cảm lo âu kéo dài trên 1 năm. Có ý tưởng tự sát rõ rệt

- Bệnh nhân có bệnh lý thực thể ảnh hưởng đến hoạt động chức năng não, tổn thương thực thể não kèm theo. ( Chụp MRI sọ não có tổn thương thực thể, điện não đồ)

- Có bệnh lí tim mạch

- Dùng các phương pháp khác

- Phụ nữ có thai

- Không tuân thủ quy trình điều trị

- Bệnh nhân không thuộc thể YHCT Can khí uất kết hoặc Khí uất hóa hỏa

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1 Thiết kế nghiên cứu:

- Phương pháp nghiên cứu tiến cứu, can thiệp lâm sàng, có so sánh trước và sau khi điều trị.

2.2 Cỡ mẫu nghiên cứu:

- Chọn mẫu có chủ đích 10 BN phù hợp với tiêu chuẩn nghiên cứu.

2.3 Chất liệu nghiên cứu:

- Công thức huyệt điện châm hỗ trợ điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm theo thể Can khí uất kết và Khí uất hóa hỏa (theo quy trình kỹ thuật của Bộ Y Tế )[2]:

       * Can khí uất kết

- Châm tả các huyệt:

+ Phong trì            + Thái xung         + Tứ thần thông        + Bách hội

+ Thái dương          + Thượng tinh      + Đản trung              +Thần môn

 

- Châm bổ các huyệt:

+ Huyết Hải      + Tam âm giao        + Quan nguyên           + Khí hải

*Khí uất hóa hỏa

- Châm tả các huyệt:

+ Bách hội         + Thượng tinh        + Thái dương             + Phong trì

+ Hợp cốc           + Đại chùy              + Nội quan                + Thần môn           

- Châm bổ các huyệt:

+ Quan nguyên    + Huyết hải              + Tam âm giao     + Khí hải

2.4 Phương tiện nghiên cứu:

- Kim châm cứu: quy cách size kim 0,3 x 25mm, kim 0,3 x 40mm làm bằng thép không gỉ, chân bạc, vô trùng, dùng một lần, do công ty cổ phần thiết bị y tế Hải Nam sản xuất.

- Máy điện châm M8 do Bệnh viện Châm cứu Trung ương sản xuất.

- Bông, cồn 70 độ, khay quả đậu, kẹp không mấu

- Máy xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, tổng phân tích nước tiểu

- Bệnh án nghiên cứu chuyên biệt

- Bộ câu hỏi: câu hỏi phỏng vấn thu thập tông tin được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán ICD 10. Thang đánh giá mức độ lo âu, thang đánh giá mức độ trầm cảm Hamilton, test Zung, test Beck.

2.5 Quy trình nghiên cứu:

+ Các bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu sẽ được thăm khám lâm sàng theo một mẫu bệnh án thống nhất.

+ Giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi tham gia đề tài.

+ Hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc theo phác đồ của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Bệnh nhân được phát thuốc ngoại trú.

+  Nhóm SSRI ( tác dụng chọn lọc trên Serotonin): Zoloft 50mg x 02 viên/ ngày, chia 2 lần, sáng tối sau ăn x 56 ngày (8 tuần)

+ Thuốc an thần: Seduxen 05mg x 02 viên/ ngày (uống trước khi đi ngủ) x 14 ngày ( 2 tuần – từ ngày D1 đến ngày D14)

+ Điện châm theo phác đồ huyệt hỗ trợ điều trị một số thể rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm (do các bác sỹ bệnh viện Châm cứu TW trực tiếp thực hiện): 30 phút/ lần/ ngày x 40 ngày ( 8 tuần, nghỉ thứ 7, chủ nhật)

2.6 Các chỉ số nghiên cứu và cách xác định

- Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu được đánh giá bằng phỏng vấn tại thời điểm vào viện gồm: phân bố theo tuổi và giới, thời gian mắc bệnh, phân bố theo thể bệnh.

- Các chỉ tiêu lâm sàng được đánh giá tại 3 thời điểm trước nghiên cứu (D0), sau điều trị 28 ngày (D28), sau điều trị 56 ngày (D56) gồm:

+ Thang điểm đánh giá mức độ lo âu Hamilton (HSRS).

+ Thang đánh giá mức độ trầm cảm Hamilton (HDRS).

+ Test Zung ( đánh giá mức độ lo âu).

+  Test Beck ( đánh giá mức độ trầm cảm).

- Tác dụng không mong muốn của phương pháp điện châm được đánh giá thông qua một số chỉ số sinh tồn và các tác dụng không mong muốn tại thời điểm trước điều trị (D0) và sau điều trị 56 ngày (D56).

3. Phương pháp xử lý số liệu

- Các số liệu phân tích được xử lý theo phương pháp thống kê y sinh học trên máy vi tính dưới sự trợ giúp của phần mềm SPSS 20

- Đối với các biến số mà chỉ số là tỷ lệ, dùng test χ2 để so sánh sự khác biệt giữa hai hay nhiều tỷ lệ của các nhóm trước và sau điều trị.      

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1: . Phân bố bệnh nhân nghiên cứu theo tuổi và giới

Tuổi

Nữ

Nam

n

%

n

%

18-39

2

20

0

0

40-60

6

50

0

0

>60

2

30

0

0

Tuổi TB

53,2 ± 12,3

Nhận xét: Trong 10 bệnh nhân thử nghiệm, độ tuổi phân bố từ 18 đến 69 tuổi, nhóm bệnh nhân từ 40 – 60 tuổi chiếm nhiều nhất với 6 bệnh nhân chiếm 60 % tổng số bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân nữ chiếm 100%, không có bệnh nhân nam.

Bảng 2. Thời gian xuất hiện triệu chứng

Thời gian xuất hiện

triệu chứng

Số lượng bệnh nhân

(n=10)

n

%

1 đến 4 tháng

1

10

4 đến 8 tháng

3

30

8 tháng đến 12 tháng

6

60

Tổng

10

100

Nhận xét: Theo bảng 2 cho thấy thời điểm từ lúc xuất hiện triệu chứng đến lúc tham gia nghiên cứu đa số từ khoảng 8 tháng đến 1 năm, bệnh nhân thường không đi khám chuyên khoa tâm thần ngay mà thăm khám điều trị tại các chuyên khoa khác.

Bảng 3: Phân bố thể bệnh rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm theo YHCT

Thể bệnh

Số lượng bệnh nhân

(n=10)

n

%

Can khí uất kết

3

30

Khí uất hóa hỏa

7

70

Tổng

10

100

Nhận xét: Trong nghiên cứu áp dụng thử nghiệm, thể bệnh Khí uất hóa hỏa có 7 bệnh nhân, chiếm đa số. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê vì số lượng cỡ mẫu nhỏ.

2. Đánh giá hiệu quả điều trị trên lâm sàng

Bảng 4: Biến đổi mức độ lo âu trầm cảm tại các thời điểm nghiên cứu

Mức độ lo âu trầm cảm

 

 

Thời

điểm /

Thang

điểm

 

D0 (1)

 

D28 (2)

 

D56 (3)

 

 

 

p

Số lượng

BN

Số lượng

BN

Số lượng

BN

 

n

 

%

 

n

 

%

 

n

 

%

Không có

HARS (a)

0

0

0

0

1

10

 

 

P1-2-3<0,05

HDRS (b)

0

0

1

10

4

40

Nhẹ

HARS (a)

3

30

6

60

7

70

HDRS (b)

8

80

9

90

6

60

Vừa

HARS (a)

7

70

4

40

2

20

HDRS (b)

2

20

0

0

0

0

p

 

Pa-b<0,05

 

Nhận xét: Theo bảng 4 cho thấy số lượng các bệnh nhân có các triệu chứng trầm cảm lo âu đều giảm từ mức độ vừa đều giảm dần theo thời diểm điều trị, số lượng bệnh nhân ở mức độ nhẹ tăng lên do số bệnh nhân mức độ vừa chuyển sang mức độ nhẹ.

 Tại thời điểm D56 mức độ lo âu theo thang điểm HARS chỉ còn 2 BN ở mức độ vừa, 7 BN ở mức độ nhẹ và 1 Bn ở mức không có lo âu. Tương tự ở thang điểm HDRS tại thời điểm D56 chỉ còn có 6 BN ở mức độ nhẹ và 4 BN ở mức độ không lo âu. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê vói p<0,05.

Bảng 5: Biến đổi giá trị trung bình mức độ trầm cảm và

 lo âu tại các thời điểm nghiên cứu

Thời điểm

Test

D0 (1)

D28 (2)

D56 (3)

p

± SD

± SD

± SD

Test Zung (a)

62,4 ± 6,3

54,7 ± 7,4

48,4 ± 8,1

P1-2-3<0,05

Test Beck (b)

23,1 ± 2,8

18,3 ± 3,1

14,8 ± 3,7

p

Pa-b<0,05

 

Nhận xét: Bảng 5 cho thấy tổng điểm Test Zung là 80 điểm, số điểm ≥ 40 là có rối loạn lo âu, dưới 40 là không có rối loạn lo âu. Tại thời điểm D0, tổng số điểm trung bình của 10 bệnh nhân là 62,4 ± 6,3, cải thiện ở thời điểm D28 với số điểm trung bình là 54,7 ± 7,4 tiếp tục cải thiện ở thời điểm kết thúc điều trị, điểm là 48,4 ± 8,1 (p<0,05).

Đánh giá mức độ trầm cảm qua thang điểm Test Beck gồm 21 câu trả lời với thang điểm từ 0 đến 3 cho mỗi câu trả lời, tổng điểm tối thiểu là 0, tối đa là 33, dưới 14 điểm là bình thường, từ 14 đến 19 trầm cảm nhẹ, từ 20 đến 29 trầm cảm vừa, từ 30 trở lên trầm cảm nặng. Bệnh nhân nghiên cứu có sự cải thiện rõ rệt về tình trạng trầm cảm đánh giá thông qua thang điểm Test Beck (p<0,05).

3. Bước đầu khảo sát các tác dụng không mong muốn của phương pháp điện châm

Bảng 6: Đánh giá một số chỉ số sinh tồn trước và sau khi tiến hành điện châm ( 400 lượt)

 

 

Chỉ tiêu đánh giá

Trước điện châm

(n = 400)

(1)

Sau điện châm

(n = 400)

(2)

 

 

p(1-2)

± SD

± SD

Mạch

89,7 ± 10.8

82,1 ± 11,7

> 0.05

Nhiệt độ

36, 8 ± 0,4

36,6 ± 0,5

> 0,05

Huyết áp tối đa

125,3 ± 11,3

120,7 ± 9,8

> 0,05

Huyết áp tối thiểu

80,5 ± 6,1

75,3 ± 6,9

> 0,05

Nhịp thở

19,5 ± 1,8

18,5 ± 1,7

> 0,05

Nhận xét: Bảng 6 cho thấy trước và sau điện châm một số chỉ số sinh tồn không thay đổi, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Mạch, huyết áp, nhịp thở có xu hướng giảm sau khi kết thúc điện châm, nhưng không có ý nghĩa thống kê với P> 0,05.

Bảng 7: Tác dụng không mong muốn của phương pháp điện châm

Tác dụng không mong muốn

Số lượt

(n=400)

Phần trăm

Vựng châm

0

0%

Chảy máu sau khi rút kim

2

0,5%

Đau do châm

4

1%

Nhiễm trùng

0

0%

Cong kim

0

0%

Nhận xét: Các tác dụng không mong muốn của điện châm hầu như không có, các trường hợp xảy ra như chảy máu đều đã được nhân viên y tế bịt bằng bông khô.

IV. BÀN LUẬN

1. Đặc điểm của chung của đối tượng nghiên cứu

-Về đặc điểm tuổi và giới: Theo bảng 1 với số lượng cỡ mẫu nhỏ, đặc điểm của đối tượng nghiên cứu không có nhiều ý nghĩa, tuy nhiên 10 bệnh nhân tham gia nghiên cứu đều là nữ khá phù hợp với bệnh rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm thường là giới nữ. Độ tuổi từ 38 đến 69, tuổi trung bình là 53,2 ± 12,3 là độ tuổi chịu nhiều áp lực trong cuộc sống.

- Về đặc điểm thời gian phát hiện bệnh: Thời gian khởi phát triệu chứng theo tiêu chuẩn ICD-10 là từ 1 tháng đến 1 năm, đa số bệnh nhân đến khám vào khoảng thời gian từ 8 tháng đến 1 năm, theo bảng 2 tỉ lệ bệnh nhân đến sớm thấp, do bệnh nhân thường không đi khám chuyên khoa tâm thần ngay mà đi khám các chuyên khoa khác nên không được chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm, kéo dài thời gian phát hiện bệnh.

- Về đặc điểm phân bố theo thể của YHCT: Ở bảng 3 ta thấy số bệnh nhân thuộc thể Khí uất hóa hỏa chiếm đa số (7/10 BN). Nó phù hợp với các triệu chứng của bệnh nhân do gặp phải các áp lực trong cuộc sống.

2. Hiệu quả của điện châm hỗ trợ điều trị triệu chứng lo âu

Kết quả nghiên cứu điều trị ở bảng 4 và 5 cho thấy số bệnh nhân chuyển từ mức độ vừa sang mức độ nhẹ, có một bệnh nhân không còn tình trạng rối loạn lo âu.

Hiệu quả hỗ trợ điều trị của điện châm với mức giảm điểm theo thang điểm test Zung và test Beck qua các thời điểm D28 và D56. Tại thời điểm D0, tổng số điểm trung bình của 10 bệnh nhân là 62,4 ± 6,3, cải thiện ở thời điểm D28 với số điểm trung bình là 54,7 ± 7,4 tiếp tục cải thiện ở thời điểm kết thúc điều trị, điểm là 48,4 ± 8,1. Tần suất xuất hiện triệu chứng trong tuần cũng như thời gian xuất hiện triệu chứng cũng được cải thiện rõ rệt. Số triệu chứng trên bệnh nhân cũng giảm tại các thời điểm đánh giá.

Đánh giá riêng về các nhóm triệu chứng rối loạn lo âu như nhóm triệu chứng kích thích thần kinh thực vật, triệu chứng liên quan đến vùng ngực bụng, triệu chứng liên quan đến trạng thái tâm thần, triệu chứng toàn thân, triệu chứng căng thẳng và nhóm triệu chứng không đặc hiệu khác, thì số bệnh nhân mắc các triệu chứng đó cũng giảm dần theo từng thời điểm đánh giá. Điều này khẳng định điện châm có tác dụng hỗ trợ điều trị các triệu chứng lo âu trên bệnh nhân rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm.

Tuy nhiên do số lượng cỡ mẫu nhỏ nên chưa thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

3. Hiệu quả của điện châm hỗ trợ điều trị triệu chứng trầm cảm

Kết quả nghiên cứu ở bảng 4 và 5 mức độ trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm đa số ở mức độ nhẹ, điện châm cho thấy hiệu quả hỗ trợ điều trị khi số bệnh nhân không còn trầm cảm là 4/10, không còn bệnh nhân nào ở mức trầm cảm vừa.

Ở bảng 5 số điểm theo thang điểm Test Beck cũng giảm rõ rệt qua các thời điểm điều trị, khẳng định khả năng chấp nhận điện châm trong hỗ trợ điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm.

4. Khảo sát tác dụng không mong muốn của phương pháp điều trị

Kết quả nghiên cứ ở bảng 6 cho thấy bệnh nhân được đánh giá toàn trạng, đo mạch, nhiệt đô, huyết áp, nhịp thở trước và sau mỗi lần điện châm cho thấy toàn trạng bệnh nhân hoàn toàn ổn định trước và sau khi điện châm. Với bệnh nhân mắc rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm nhiều trường hợp do tình trạng bệnh lí mà mạch nhanh, huyết áp tăng, nhịp thở nhanh, sau khi tiến hành điện châm đa số mạch, huyết áp, nhịp thở bệnh nhân có xu hướng giảm, cải thiện tốt đến tình trạng bệnh của bệnh nhân, nhưng chưa có ý nghĩa thống kê (P>0,05).

Theo kết quả bảng 7 một vài lượt châm có tình trạng đau, chảy máu sau châm chiếm tỉ lệ lần lượt 1% và 0,5%, các tác dụng không mong muốn khác được theo dõi thì đều không xảy ra, đây là điều hoàn toàn chấp nhận được để áp dụng phương pháp vào nghiên cứu hoàn chỉnh.

V. KẾT LUẬN

Qua công việc áp dụng thử nghiệm quy trình điện châm hỗ trợ điều trị một số thể rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm cho thấy sự thay đổi theo chiều hướng tốt trên lâm sàng, cải thiện các chỉ số trên thang điểm đánh giá.

Các tác dụng không mong muốn xuất hiện với tần suất thấp và có thể khắc phục được.

Từ khóa

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm,HARS,HDRS,Test Beck,điện châm

Tài liệu tham khảo

  1. American Psychiatric Association. (1994). Diagnostic and statistical manual of Mental disorder. fourth edition (DSM-IV).
  2. Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền, NXB Y học, Hà Nội.
  3. American Psychiatric Association. (2008). Mixed anxiety-depressive disorder (MADD): Comorbidity of mood and anxiety disorders. American Psychiatric Press , Washington, 195, 946-948.
  4. Bộ Y tế (2020). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp. 136 - 140
  5. Hoàng Bảo Châu (2010). Chứng uất. Nội khoa Y học cổ truyền, tr 136 - 145. Nhà xuất bản Thời đại.
  6. Nghiêm Hữu Thành. (2011). Nghiên cứu sự thay đổi một số chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa trên bệnh nhân bệnh lý cột sống thắt lưng được điều trị đau bằng điện châm. Tạp chí Y học thực hành.Tháng 7- số 1/2011, 22-25.
  7. Nguyễn Tài Thu. (1997). Châm cứu sau đại học. Nhà xuất bản Y học.
  8. Nguyễn Kim Việt. (2009). Lâm sàng và điều trị các rối loạn lo âu. Bộ môn tâm thần học, Đại học Y Hà Nội.
  9. Zheng, L. (2012). Acupunture and Hormone. Morrisville: LuLu.
  10. Xiao rong, L. (2015). Phân tích lâm sàng về châm cứu điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm. Bệnh viện Y học cổ truyền Tây An, Trung Quốc.
Bài viết liên quan

ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG CỦA SIÊU ÂM TRỊ LIỆU KẾT HỢP ĐIỆN CHÂM VÀ BÀI TẬP GẬY TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM QUANH KHỚP VAI THỂ ĐƠN THUẦN

BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ ĐAU VÙNG CỔ GÁY THỂ PHONG HÀN BẰNG ĐIỆN CHÂM KẾT HỢP ĐÁNH CỒN THUỐC

Hoặc

Đăng nhập bằng gmail

Đăng nhập bằng gmail