Tóm tắt
Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả điều trị thoái hóa khớp gối nguyên phát của phương pháp laser châm kết hợp tập dưỡng sinh trên lâm sàng. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: can thiệp lâm sàng có đối chứng, so sánh trước sau điều trị được tiến hành trên 70 bệnh nhân thoái hóa khớp gối điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, được chia làm 2 nhóm. Nhóm nghiên cứu điều trị laser châm kết hợp tập dưỡng sinh. Nhóm đối chứng điều trị bằng điện châm kết hợp tập dưỡng sinh trong liệu trình 21 ngày điều trị. Kết quả: Phương pháp laser châm kết hợp tập dưỡng sinh làm giảm giá trị trung bình mức độ đau theo thang điểm VAS, cải thiện chức năng khớp gối theo thang điểm WOMAC và tăng tầm vận động khớp gối (p<0,01). Sau 21 ngày điều trị, loại tốt chiếm 48,6%, loại khá chiếm 45,7%, loại trung bình chiếm 5,7%, không có kết quả điều trị loại kém, tương đương so với nhóm điều trị bằng điện châm kết hợp tập dưỡng sinh, (p>0,05). Kết luận: Phương pháp laser châm kết hợp tập dưỡng sinh có hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp gối nguyên phát.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thoái hóa khớp gối (THKG) là bệnh lý mạn tính, là nguyên nhân gây tàn tật cho người có tuổi đứng thứ 2 sau bệnh tim mạch với các triệu chứng chủ yếu là đau và hạn chế vận động. Về điều trị THKG, Y học hiện đại chủ yếu sử dụng các thuốc giảm có tác dụng giảm đau chống viêm toàn thân hoặc hoặc sử dụng thuốc tiêm trực tiếp vào khớp gối [1]. Các nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau và làm chậm quá trình THK gối, nhưng đôi khi cũng gây một số tác dụng ngoại ý, đặc biệt là tác dụng không mong muốn đối với đường tiêu hóa.
Theo y học cổ truyền (YHCT), thoái hóa khớp gối thuộc phạm vi chứng tý với bệnh danh Hạc tất phong và có YHCT nhiều phương pháp điều trị có hiệu quả như các phương pháp châm, cứu, bấm huyệt, khí công dưỡng sinh...[2]. Hiện nay, trên lâm sàng laser châm là phương pháp điều trị không xâm lấn, sử dụng tia laser công suất thấp chiếu vào huyệt vị thuộc hệ thống kinh lạc. Hiệu ứng kích thích sinh học của tia laser có tác dụng tăng cường chuyển hóa tại chỗ, kết hợp với tác dụng thông kinh hoạt lạc, hành khí chỉ thống khi kích thích tại huyệt vị theo lý luận YHCT rất phù hợp để áp dụng điều trị bệnh lý cơ xương khớp trong đó có VQKV [3], [4], [5].
Với mục đích cung cấp cho các nhà lâm sàng một lựa chọn trong điều trị một số bệnh mạn tính bằng phương pháp đa trị liệu, kết hợp giữa hiệu quả điều trị của thầy thuốc với phương pháp tự tập luyện, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài với mục tiêu đánh giá hiệu quả điều trị thoái hóa khớp gối của phương pháp laser châm kết hợp tập dưỡng sinh trên lâm sàng.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu:
Là các bệnh nhân được chẩn đoán thoái hoá khớp gối điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương từ tháng 5/2023 đến tháng 11/2023, được lựa chọn vào nghiên cứu theo các tiêu chuẩn sau:
- Tiêu chuẩn lựa chọn theo y học hiện đại: Những bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo tiêu chuẩn của Hội Khớp học Mỹ (American College of Rheumatology – ACR) (1991) với các triệu chứng sau [1]:
- Đau khớp gối.
- Gai xương ở rìa khớp trên Xquang.
- Dịch khớp là dịch thoái hóa.
- Tuổi ≥ 35.
- Cứng khớp buổi sáng dưới 30 phút.
- Lạo xạo ở khớp khi cử động.
Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1, 2 hoặc 1, 3, 5, 6 hoặc 1, 4, 5, 6.
- BN có điểm VAS ≤ 6.
- Xquang: Thoái hóa khớp gối giai đoạn I, II theo Kellgren và Lawrence 1987.
- Bệnh nhân đồng ý và tự nguyện tham gia nghiên cứu sau khi được giải thích rõ về mục tiêu nghiên cứu.
- Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHCT: Bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo tiêu chuẩn YHHĐ và được chẩn đoán hạc tất phong thể Can thận hư hoặc Can thận hư kèm theo phong hàn thấp với các chứng trạng như sau [6]:
- Vọng: đi lại khó khăn, khớp gối gấp duỗi hạn chế, không sưng đỏ. Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng
- Văn: có thể có tiếng lạo xạo khi vận động khớp gối.
- Vấn: Khớp gối kèm các khớp tứ chi đau mỏi nặng nề, gặp lạnh đau tăng, thích chườm ấm, xoa bóp, lưng gối mỏi yếu, chân tay tê bì.
- Thiết: Tại chỗ không nóng, thiện án, mạch huyền tế sác.
- Tiêu chuẩn loại trừ:
+ Thoái hóa khớp gối do nguyên nhân thứ phát
+ Đồng mắc các bệnh nội khoa khác (suy tim, gan thận…)
- Bệnh nhân đã điều trị thuốc chống viêm không steroid trong vòng 10 ngày hoặc đã tiêm corticoid tại chỗ trong vòng 3 tháng gần đây.
+ Phụ nữ có thai, cho con bú
- Bệnh nhân không tuân thủ liệu trình và phác đồ điều trị.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
- Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tiến cứu, can thiệp lâm, có đối chứng, so sánh trước và sau điều trị.
- Cỡ mẫu nghiên cứu và phương pháp tiến hành: Chọn mẫu có chủ đích đến khi được 70 bệnh nhân phù hợp với tiêu chuẩn nghiên cứu, chia thành 2 nhóm điều trị theo liệu trình sau:
+ Nhóm 1 (nhóm NC): Gồm 35 BN, được điều trị bằng Gồm 35 bệnh nhân, được điều trị bằng phương pháp laser châm kết hợp tự tập khí công dưỡng sinh 45 phút/ngày theo phương pháp Nguyễn Văn Hưởng [7].
+ Nhóm 2 (nhóm ĐC): Gồm 35 BN, được điều trị bằng phương pháp điện châm kết hợp tự tập khí công dưỡng sinh theo phác đồ tương tự nhóm nghiên cứu.
Cả hai nhóm nghiên cứu được điều trị trong liệu trình 21 ngày .
* Chỉ tiêu nghiên cứu và cách xác định các chỉ tiêu nghiên cứu
- Đặc điểm chung: gồm phân bố theo nhóm tuổi, giới, tình trạng béo phì (BMI) và vị trí tổn thương, được đánh giá tại thời điểm vào viện bằng phương pháp phỏng vấn.
- Đánh giá hiệu quả điều trị trên lâm sàng: bằng thang điểm quy đổi tổng hợp từ các chỉ số gồm mức độ đau theo thang điểm VAS, khả năng vận động khớp gối theo thang điểm WOMAC và tầm vận động khớp gối theo phương pháp Zero tai các thời điểm trước và sau điều trị theo công thức:

Bảng 2.1. Cách đánh giá hiệu quả điều trị
Điểm kết quả điều trị (K) |
Hiệu quả điều trị |
80% ≤ K ≤ 100% |
Tốt |
60% ≤ K < 80% |
Khá |
40% ≤ K< 60% |
Trung bình |
K < 40% |
Kém |
2.3. Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu nghiên cứu được xử lý bằng chương trình SPSS 20.0. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05.
2.4. Đạo đức nghiên cứu:
Nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành hoàn toàn nhằm mục đích chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cho người bệnh và được sự cho phép nghiên cứu của Hội đồng đạo đức Học viện Y Dược học cổ truyền.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu
Bảng 3.1. Phân bố bệnh nhân nghiên cứu theo tuổi và giới tính
Tuổi |
Giới |
Nhóm NC (3) |
Nhóm chứng (4) |
Cộng |
||||
n |
% |
n |
% |
n |
% |
|||
35 – 49 (a) |
Nam (1) |
3 |
8,6 |
4 |
11,4 |
7 |
10,0 |
|
Nữ (2) |
1 |
2,9 |
1 |
2,9 |
2 |
2,9 |
||
50 – 59 (b) |
Nam (1) |
5 |
14,3 |
5 |
14,3 |
10 |
14,3 |
|
Nữ (2) |
2 |
5,7 |
2 |
5,7 |
4 |
5,7 |
||
≥ 60 (c) |
Nam (1) |
17 |
48,5 |
16 |
45,7 |
33 |
47,1 |
|
Nữ (2) |
7 |
20,0 |
7 |
20,0 |
14 |
20,0 |
||
Cộng |
|
100 |
135 |
100 |
70 |
100 |
||
Tuổi trung bình |
57,68 ± 10,17 |
56,56 ± 8,53 |
57,12 ± 9,35 |
|||||
p |
p1-2<0,05, pa-b p1-2<0,05, pb-c p1-2<0,05, pa-c <0,05 |
Nhận xét: Thoái hóa khớp gối gặp nhiều nhất ở lứa tuổi trên 60 (33/70 BN). Tỷ lệ giới nữ mắc thoái hóa khớp gối nhiều hơn giới nam (p<0,05), với tuổi trung bình mắc THKG là 57,12 ± 9,35. Không có sự khác biệt về phân bố bệnh nhân theo nhóm tuổi và giới giữa 2 nhóm nghiên cứu (p>0,05).
Bảng 3.2. Phân bố bệnh nhân nghiên cứu theo thời gian mắc bệnh
Nhóm / Thời gian mắc bệnh |
Nhóm NC (1) |
Nhóm ĐC (2) |
Tổng |
p |
|||
n |
% |
n |
% |
n |
% |
||
< 1 tháng |
9 |
25,7 |
10 |
28,6 |
19 |
27,1 |
p1-2 > 0,05 |
1 – 3 tháng |
5 |
14,3 |
6 |
17,1 |
11 |
15,7 |
|
3 – 6 tháng |
8 |
22,9 |
7 |
20 |
15 |
21,4 |
|
>6 tháng |
13 |
37,1 |
12 |
34,3 |
25 |
35,7 |
|
Tổng |
35 |
100 |
35 |
100 |
70 |
100 |
Nhận xét: Thời gian mắc bệnh của bệnh nhân trong nghiên cứu từ cao nhất >6 tháng chiếm 35,7%; <1 tháng chiếm 27,1%; 3-6 tháng chiếm 21,4%, thấp nhất là nhóm 1-3 tháng chiếm 15,7%. Sự khác biệt về thời gian mắc bệnh giữa hai nhóm nghiên cứu không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.
3.2. Hiệu quả điều trị của phương pháp laser châm kết hợp tập dưỡng sinh trong điều trị thoái hóa khớp gối.
Bảng 3.3. Biến đổi một số chỉ số nghiên cứu trên lâm sàng
Các chỉ số nghiên cứu |
Thời điểm |
Nhóm NC (1) |
Nhóm ĐC (2) |
Giá trị trung bình điểm mức độ đau theo thang VAS |
D0 (a) |
5,35 ± 1,08 |
5,43 ± 0,92 |
D21 (b) |
1,14 ± 1,56 |
1,94 ± 1,66 |
|
Giá trị trung bình tầm vận động khớp gối theo phương pháp zero |
D0 (a) |
98,51 ± 12,23 |
102,20 ± 14,69 |
D21 (b) |
134,80 ± 5,60 |
124,14 ± 9,56 |
|
Giá trị trung bình chức năng khớp gối theo thang điểm Womax |
D0 (a) |
35,74 ± 10,49 |
35,23 ± 11,74 |
D21 (b) |
18,80 ± 7,70 |
20,40 ± 8,38 |
|
p |
pa-b<0,01, p1-2>0,05 |
Nhận xét: Không có sự khác biệt về giá trị trung bình mức độ đau theo thang điểm VAS, tầm vận động khớp gối theo phương pháp zero và chức năng khớp gối theo thang điểm Womax giữa 2 nhóm nghiên cứu (p>0,05). Sau liệu trình 21 ngày điều trị, các chỉ số này đều thay rõ rệt so với trước điều trị (p< 0,01). Tuy nhiên chưa có sự khác biệt có ý nghĩa về hiệu quả điều trị giữa nhóm điều trị bằng laser châm kết hợp tập dưỡng sinh so với nhóm điện châm kết hợp tập dưỡng sinh (p>0,05).
Bảng 3.4. Kết quả điều trị chung
Nhóm NC / Kết quả điều trị |
Nhóm NC (1) n= 35 |
Nhóm ĐC (2) n= 35 |
||
Số BN |
Tỷ lệ % |
Số BN |
Tỷ lệ % |
|
Tốt |
17 |
48,6 |
14 |
40,0 |
Khá |
16 |
45,7 |
17 |
48,6 |
Trung bình |
2 |
5,7 |
4 |
11,4 |
Kém |
0 |
0,00 |
0 |
0,00 |
Tổng |
35 |
100,0 |
35 |
100,0 |
p |
p1-2>0,05 |
Nhận xét: Sau liệu trình 21 ngày điều trị, kết quả điều trị tốt chiếm 48,6% ở nhóm NC và 40,0% ở nhóm ĐC; loại khá chiếm 45,7% ở nhóm NC và 48,6% ở nhóm ĐC. Cả hai nhóm nghiên cứu đều cho thấy hiệu quả rõ rệt tuy nhiên chưa thấy sự khác biệt về hiệu quả điều trị giữa hai nhóm nghiên cứu (p > 0,05).
IV. BÀN LUẬN
1. Bàn về một số đặc điểm của bệnh nhân nghiên cứu.
* Đặc điểm về tuổi và giới:
Các kết quả nghiên cứu ở bảng 3.1 cho thấy độ tuổi trung bình của bệnh nhân thoái hóa khớp gối trong nghiên cứu là 57,68 ± 10,17 tuổi ở nhóm NC và 56,56 ± 8,53 tuổi ở nhóm ĐC, tỷ lệ bệnh nhân THKG lứa tuổi 50-59 tuổi chiếm 20% và nhóm trên 60 tuổi chiếm 67,1%, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tuổi giữa các nhóm nghiên cứu với p > 0,05. Tỷ lệ bệnh nhân nữ mắc thoái hóa khớp gối nhiều hơn bệnh nhân nam ở tất cả các nhóm nghiên cứu (p<0,05).
Kết quả nghiên cứu đặc điểm về tuổi và giới của các BN trong nghiên cứu của chúng tôi tương tự kết quả nghiên cứu của một số tác giả khác. Các nghiên cứu đều đưa ra kết luận rằng tỷ lệ mắc bệnh nữ giới cao hơn so với nam giới và chiếm tỷ lệ cao ở nhóm lứa tuổi trên 50 [7], [8]. Các kết luận này được đưa ra có thể là do theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao thì các tế bào sụn càng già đi, khả năng tổng hợp collagen và mucopolysaccharid bị giảm sút và rối loạn, chất lượng sụn sẽ kém, giảm khả năng đàn hồi và chịu lực. Giới nữ nhóm lứa tuổi trên 50 dễ bị thoái hóa khớp gối hơn nam là do sự thay đổi hormone thường gặp ở giai đoạn tiền mãn kinh, sự suy giảm hormone sinh dục nữ làm giảm tế bào sụn. Như vậy, có thể thấy rằng tuổi tác và giới tính là các yếu tố nguy cơ cao nhất của thoái hóa khớp nói chung và THKG nói riêng [1], [4].
- Đặc điểm về thời gian mắc bệnh: Qua bảng 3.2 cho thấy thời gian mắc bệnh trên 6 tháng chiếm tỷ lệ cao nhất (37,1% ở nhóm NC và 35,7% ở nhóm ĐC), tiếp đến là thời gian mắc bệnh từ 3- 6 tháng (chiếm 21,4% ở cả 2 nhóm NC), thấp nhất là nhóm dưới 3 tháng. Như vậy, thoái hóa khớp nói chung và THKG nói riêng là bệnh diễn biến mạn tính, gây đau và biến dạng khớp, thường không có dấu hiệu viêm, nguyên nhân là do quá trình lão hóa và tình trạng quá tải kéo dài của sụn khớp, dần dần ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp [1]. Giai đoạn đầu bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi hay dùng thuốc giảm đau thông thường, bệnh nhân thường chỉ đến bệnh viện khi chức năng vận động của khớp bị ảnh hưởng. Đây cũng là lý do giải thích vì sao thời gian bị bệnh cho đến thời điểm nghiên cứu trong nghiên cứu của chúng tôi khá dài.
4.2. Về hiệu quả điều trị của laser châm kết hợp tập dưỡng sinh trong điều trị thoái hóa khớp gối.
Theo y học hiện đại, THKG là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn cũng như xương dưới sụn. Biểu hiện cuối cùng của THKG là các thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hoá, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn, giảm độ nhớt của dịch trong khớp gối, bao hoạt dịch khớp gối bị viêm, dẫn đến đau và hạn chế khi vận động [3].
Theo YHCT, đau được gọi là “Thống”, sách Tố vấn, thiên “Âm dương ứng tượng đại luận” có viết “Thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”, có thể hiểu là khí huyết lưu thông thông suốt trong cơ thể thì không đau, khi kinh lạc bị bế tắc, khí huyết không lưu thông thì gây đau [2], [8]. Do đó, trong nghiên cứu này chúng tôi đánh giá mức độ đau dựa trên cảm nhận chủ quan của người bệnh theo thang điểm VAS, đánh giá sự cải thiện tầm vận động khớp gối theo phương pháp zero và đánh giá chức năng của khớp gối theo thang điểm Womax, đây là các thang điểm đánh giá được nhiều tác giả sử dụng trong các nghiên cứu để đánh giá hiệu quả điều trị của phương pháp laser châm kết hợp tập dưỡng sinh trong điều trị thoái hóa khớp gối. Kết quả điều trị được tính toán dựa vào chỉ số 3 chỉ số trên và chia thành 4 mức độ: kết quả tốt, khá, trung bình, kém.
Qua bảng 3.3 cho thấy sau liệu trình điều trị 21 ngày, cả 3 chỉ số nghiên cứu gồm mức độ đau, chức năng khớp gối và tầm vận động khớp gối đều tăng so với trước điều trị ở cả 2 nhóm nghiên cứu điều trị bằng điện châm kết hợp tập dưỡng sinh và ở nhóm bệnh nhân được điều trị bằng laser châm kết hợp tập dưỡng sinh (p<0,01), không có sự khác biệt về giá trị các chỉ số này giữa hai nhóm NC (p>0,05) với kết quả điều trị đạt loại tốt ở nhóm NC chiếm tỷ lệ 48,6%, khá chiếm 45,7% và trung bình chiếm 5,7%, tương đương với nhóm ĐC kết quả điều trị tốt là 40,0% %; khá chiếm 48,6% và trung bình chiếm 11,4% (p>0,05). Không có bệnh nhân nào có kết quả kém ở cả hai nhóm NC (bảng 3.4), nhóm điện châm kết hợp tập dưỡng sing cũng cho kết quả tương tự. Từ các số liệu trên cho thấy, đối với bệnh nhân thoái hóa khớp gối dù được điều trị bằng laser châm kết hợp tập dưỡng sinh hay bằng điện châm kết hợp tập dưỡng sinh đều cho hiệu quả điều trị rất khả quan.
Kết quả nghiên cứu chúng tôi tương tự như kết quả của một số tác giả khác khi nghiên cứu hiệu quả điều trị THKG của phương pháp điện châm kết hợp sóng xung kích hoặc điện châm kết hợp tập dưỡng sinh [9], [10]. Trong nghiên cứu này chúng tôi đã chọn phác đồ gồm các huyệt nằm trên các đường kinh liên quan đến vùng bị bệnh dựa theo vị trí giải phẫu tiết đoạn thần kinh của YHHĐ và theo phương pháp “tuần kinh thủ huyệt” của YHCT, sử dụng kỹ thuật chiếu tia laser vào các huyệt trong phác đồ được lựa chọn. Laser châm là phương pháp điều trị không xâm lấn, kết hợp giữa vật lý trị liệu và y học cổ truyền. Laser châm gây ra những kích thích sinh học lên các huyệt từ đó mô tế bào tại vùng huyệt đó hấp thu năng lượng của chùm tia laser tạo nên các đáp ứng tích cực như giảm đau, giãn cơ, giảm phù nề, chống viêm. Tác dụng của laser châm theo lý luận của Y học cổ truyền có thể thấy: hô hấp tế bào thuộc khí, cải thiện hô hấp tế bào đó chính là quá trình điều khí; tuần hoàn thuộc huyết, cải thiện vi tuần hoàn chính là quá trình hòa huyết [4], [5], [8], [11]. Như vậy laser có tác dụng điều khí hòa huyết, lập lại thăng bằng âm dương, đó cũng là mục đích cuối cùng của châm cứu chữa bệnh. Ngoài sử dụng laser châm, các bệnh nhân THKG trong nghiên cứu còn được kết hợp với tập dưỡng sinh theo bài tập Nguyễn Văn Hưởng với các động tác luyện thư giãn có tác dụng cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp tinh thần thoải mái, người tập làm chủ được các giác quan, giúp xóa bỏ dần những phản xạ có hại cho cơ thể, các động tác luyện tập chống xơ cứng phù hợp và ảnh hưởng tốt đến cơ xương khớp giúp kết hợp với các động tác tự xoa bóp bấm huyệt giúp người bệnh tự điều chỉnh cân bằng trong cơ thể, kinh mạch khí huyết được lưu thông điều hòa, từ đó có tác dụng giảm đau và tăng tầm vận động của khớp [7].
V. KẾT LUẬN
Nghiên cứu trên 70 bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát, trong đó 35 bệnh nhân được điều trị bằng laser châm kết hợp tập dưỡng sinh, so sánh với 35 bệnh nhân được điều trị bằng điện châm kết hợp tập dưỡng sinh trong liệu trình 21 ngày điều trị, chúng tôi rút ra các kết luận rằng phương pháp laser châm kết hợp tập dưỡng sinh có hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp gối nguyên phát, cụ thể là:
- Làm giảm giá trị trung bình mức độ đau theo thang điểm VAS từ 5,35 ± 1,08 điểm trước điều trị xuống còn 1,56 ± 1,14 điểm sau điều trị (p<0,01);
- Làm giảm chỉ số WOMAC từ 35,74 ± 10,49 xuống 18,80 ± 7,70 (điểm), p<0,01;
- Làm tăng tầm vận động khớp gối từ 98,51 ± 12,23 điểm trước điều trị lên 134,80 ± 5,60 điểm sau điều trị (p<0,01)
- Kết quả điều trị chung: Kết quả điều trị loại tốt chiếm 48,6%, loại khá chiếm 45,7%, loại trung bình chiếm 5,7%, không có bệnh nhân nào có kết quả điều trị loại kém, tương đương so với nhóm điều trị bằng điện châm kết hợp tập dưỡng sinh, (p>0,05).
Từ khóa
Thoái hóa khớp gối nguyên phát,laser châm,tập dưỡng sinh
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Thị Ngọc Lan (2015), Bệnh học cơ xương khớp nội khoa, NXB Giáo dục Việt Nam, 138, 140-153.
- Nguyễn Tài Thu (2003), Châm cứu chữa bệnh, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Trần Minh Thái (2014), Những vấn đề cơ bản và hiệu ứng kích thích sinh học, Kỷ yếu hội thảo khoa học công nghệ ứng dụng laser bán dẫn công suất thấp trong điều trị phục hồi chức năng.
- Gerhard L., Gerhard (2012), Technical Parameters for Laser Acupuncture to Elicit Peripheral and Central Effects: State-of-the-Art and Short Guidelines Based on Results from the Medical University of Graz, the German Academy of Acupuncture, and the Scientific Literature, Evid Based Complement Alternat Med. Doi: 10.1155/2012/697096.
- Aya Sedky Adly et al (2021), A novel approach utilizing laser acupuncture teletherapy for management of elderly-onset rheumatoid arthritis: A randomized clinical trial, Journal of telemedicine telecare. 27(5), 298-306.
- Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền, NXB Y học, Hà Nội.
- Bộ môn Khí công dưỡng sinh – Xoa bóp bấm huyệt; (2013), Giáo trình xoa bóp bấm huyệt, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam.
- Khoa Y học cổ truyền, trường đại học Y Hà Nội (2001). Nội kinh. Nhà xuất bản Y học, 13- 132, 190.
- Phạm Hồng Vân, Hồ Chí Công (2021), Đánh giá tác dụng điều trị đau, phục hồi chức năng khớp gối của điện châm kết hợp sóng xung kích trên bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Tạp chí Châm cứu Việt Nam 2021, số 3, tr. 6-14.
- Phạm Hồng Vân, Ngô Chiến Thuật, Lê Thị Kim Dung (2021), Đánh giá hiệu quả của điện châm kết hợp tập dưỡng sinh trong điều trị thoái hóa khớp gối. Tạp chí Y học thực hành số 12(1064), 2017, t 47-49.
- Zhonggai Chen, Chiyuan Ma, Langhai Xu et al (2019), Laser Acupuncture for Patients with Knee Osteoarthritis: A Systematic Review and Meta-Analysis of Randomized Placebo-Controlled Trials. Evid Based Complement Alternat Med 2019 Nov 3:2019:6703828. doi: 10.1155/2019/6703828. eCollection 2019.